Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đất nhiễm phèn trả công người khai hoang tiền tỷ

Kiều Anh - 09:56 18/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ mô hình sản xuất, kinh doanh lúa, cây ăn quả, ao cá, ông Ngô Thọ Hòa ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã có thu nhập bình quân hàng năm khoảng 1,6 tỷ đồng. Trang trại gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho 30 lao động tại địa phương.
Ông Ngô Thọ Hòa bên vườn cây chanh giáy trĩu quả của gia đình

Quyết chí làm giàu trên vùng đất hoang nhiễm phèn

Kể lại câu chuyện lập nghiệp, biến vùng đất hoang vu, phèn mặn thuộc xã Vĩnh Điều thành vùng trồng lúa cho hiệu quả kinh tế cao, ông Ngô Thọ Hòa cho hay, từng là công nhân của nông trường Vĩnh Điều A, năm 1991 nông trường giải thể, cấp cho vợ chồng ông một căn nhà nhỏ của nông trường và 4ha trồng cây điều. Thời gian này đất còn nhiễm phèn nặng gia đình có diện tích trồng lúa nhưng chỉ trồng được 1 vụ/năm.

“Điện, đường, kênh, mương thủy lợi nội đồng chưa có nên làm lúa rất cực, chủ yếu dựa vào nước mưa. Vùng đất mới trăm cái thiếu, nhiều người tới khai hoang rồi lại bỏ đi bởi chịu không nổi cảnh không đường, không điện, không trường lớp, khó khăn tứ bề”, ông Hòa nhớ lại

Để bám trụ lại vùng đất này, vợ chồng ông Hoà nhận chở thuê, dần tích lũy mua máy cày để khai hoang, mua thêm đất, cuộc sống khá dần lên. Nhưng để có cơ ngơi vững chắc như bây giờ, vợ chồng ông Hòa trải qua không ít gian nan, cơ cực.

“Vợ chồng tôi đã lao động cần cù tiết kiệm dành dụm mua được 1 chiếc máy cày MTZ, khai phá thêm 15ha đất trồng lúa nhưng chỉ canh tác được 1 vụ/năm. Đến năm 1994, nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, gia đình tôi chuyển sang trồng lúa 2 vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đây, kinh tế gia đình khá giả hơn, tôi tiếp tục mua thêm đất và đến nay đã có 50ha. Gia đình tôi cho thuê 35ha cho thuê thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Diện tích còn lại, gia đình làm lúa 10ha, trồng chanh 5ha, nuôi cá các loại... Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình khoảng 1,6 tỷ đồng ”, ông Hòa bộc bạch.

Năm 2010, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng ở địa phương, gia đình ông Hòa đã  mở rộng kinh doanh nhờ được vay vốn của ngân hàng, vợ chồng ông quyết định mua máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp để phục vụ bà con trong xã. Hiện nay, gia đình ông có 2 chiếc máy cày, 5 chiếc máy gặp đập liên hợp và 4 chiếc máy kéo, giải quyết việc làm cho 30 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 7,5 triệu/ tháng/người. Với tinh thần tương thân, tương ái, bản thân ông và gia đình đã giúp cho 20 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, cây con để vượt khó vươn lên.

Chia sẻ cách làm giàu cho bà con trong vùng

Chia sẻ quá trình sản xuất kinh doanh, làm giàu của gia đình, ông Hòa cho biết đã không ngừng tìm hiểu cách làm mới, tích cực đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học vào sản xuất, góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa hàng năm đều tăng, quản lý tốt các khâu dịch vụ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

“Trong quá trình sản xuất, gia đình tôi luôn tích cực tham gia thực hiện mô hình mà Hội Nông dân và chính quyền địa phương khuyến khích như: Sản xuất lúa hữu cơ, nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người. Bản thân tôi đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho 30 hộ”, ông Hòa nói.

Để phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển và xuất hiện nhiều tấm gương nông dân có thu nhập cao tại xã nhà, ông Hòa cho rằng Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp để họ đầu tư nhà máy chế biến nông sản ở nông thôn để giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn, những hộ nông dân nghèo không có đất có việc làm tại quê hương có vậy họ sẽ không rời quê đi làm nơi khác; thúc đẩy liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân ổn định, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Với ý chí quyết tâm bám đất và đất đã không phụ lòng người, nhiều người bỏ đất đi, ông Hòa thì ngược lại. Không chỉ tích góp đất sản xuất cho gia đình, ông còn khai hoang thêm đất để rủ bạn bè, người thân vào vùng đất này định cư. Có người được ông Hòa cho vài chục công, có người được ông cho một vài héc ta.

Nhờ những người như gia đình ông Hòa mà giờ đây không ai nghĩ một vùng đất hoang vu miền biên viễn Giang Thành lại trở thành vùng đất màu mỡ với những cánh đồng lúa phì nhiêu, những vườn cây ăn trái trĩu quả.