Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Doanh thu 3 tỷ đồng/năm nhờ ý tưởng chế biến cá trắm đen độc đáo

Trần Thế Hiển - 07:22 08/03/2022 GMT+7
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhiều vùng quê đã và đang có nhiều đổi thay tích cực từ những ý tưởng, cách làm sáng tạo, quyết tâm của những người nông dân. Điển hình trong số đó là anh Trần Văn Khoa ở xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc, Nam Định).

Thu nhập 3 tỷ đồng/năm từ trang trại nuôi cá

Chia sẻ về quyết định phát triển kinh tế của mình cách đây 4 năm, anh Trần Văn Khoa bộc bạch: “Người dân xã Mỹ Hà những năm gần tập trung nhiều vào nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá trắm đen, cá Koi… Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ những loại cá này ngày càng bão hòa, thay đổi do thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn phát triển mô hình chế biến sản phẩm cá trắm đen, vừa có thêm thu nhập cho gia đình, vừa khai thác thế mạnh của địa phương, tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp”.

Hiện nay, anh Khoa đang làm chủ Nông trại Nhiên An. Quy mô nang trại rộng 12ha, với 20 ao nuôi cá trắm đen, cá Koi. Anh Khoa kể lại, năm 2003 gia đình anh nhận đất giao thầu của UBND xã trên cánh đồng chiêm trũng. Bấy giờ, việc canh tác hết sức khó khăn, gia đình anh cấy lúa nhưng năng suất không cao, do dịch bệnh, thiên tai. Hai năm sau, anh bàn cùng bố mẹ chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Vốn quen trồng lúa, hoa màu, nay chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, lại thiếu kinh nghiệm, kiến thức, nên công việc gặp không ít trở ngại. Nghĩ là làm, anh và gia đình mạnh dạn đầu tư 315 triệu đồng đào ao thả cá, kè bê tông, trang bị máy bơm, máy sục khí... Ban đầu nuôi cá trắm đen, trắm cỏ, diêu hồng, rô phi… từ năm 2017, chuyển hẳn sang cá trắm đen, kết hợp thêm cá Koi. Vừa làm, vừa mày mò học hỏi, chắt chiu kinh nghiệm, nhiều đêm anh thức trắng chăm chút đàn cá giống, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, dấu hiệu nước trong ao đổi màu sắc, cá bơi lờ đờ, hay nổi lên mặt nước...

Anh Trần Văn Khoa - chủ Nông trại Nhiên An chuyên chế biến sản phẩm từ cá trắm đen. 

Anh cho biết: Công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi cá bị bệnh chết hàng loạt, thua lỗ hàng chục triệu đồng, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Trước đây, việc nuôi cá trăm đen tương đối thuận lợi, cho thu nhập khá, nhưng nay, nhiều hộ trên địa bàn nuôi cá trắm đen nên giá cả xuống thấp, trong khi giá cám thức ăn cứ theo đà tăng cao, khiến nông dân nuôi cá thường xuyên rơi vào cảnh éo le “dở khóc, dở cười”: Được giá mất mùa, được mùa mất giá, bị tư thương chèn ép. Nhất là từ năm 2020 trở lại đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng làm cho đầu ra của con cá trắm đen thêm phần bó hẹp.

Thế nhưng, sự khó khăn, trắc trở càng thôi thúc quyết tâm làm giàu của anh nông dân Trần Văn Khoa. Kinh nghiệm sau những lần thất bại thực sự trở thành vốn quý, để anh tự tin bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Nhận thấy cách làm ăn theo kiểu “bán non”, “ăn xổi” không đem lại hiệu quả lâu dài, anh Khoa rất băn khoăn, trăn trở tìm hướng đi mới. Tìm hiểu trên mạng internet, đài, báo, tivi thấy nhiều nơi có mô hình tiêu biểu, ý tưởng hay trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, hội nhập quốc tế thì việc đổi mới tư duy làm ăn kinh tế mới đem lại giá trị cao. Thế rồi, ý tưởng xây dựng mô hình chế biến sản phẩm cá trắm đen chợt lóe lên trong suy nghĩ của anh Trần Văn Khoa.

Giá bán cá trắm tươi trong ao nuôi nguyên con là 150.000 đồng/kg; cá tươi cắt khúc 250.000 đồng/kg; ruốc cá 100.000 đồng/hộp 90 gram; cá nướng hun khói 450.000 đồng/kg. Anh đang ấp ủ ý tưởng quảng bá thương hiệu trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook, zalo, cửa hàng thực phẩm sạch, hội chợ thương mại, mở rộng quy mô nhà xưởng, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong tương lai.

Sản lượng cá trắm đen xuất bán của trang trại gia đình anh đạt 20-30 tấn/năm, cá Koi 20 tấn/năm. Tổng thu nhập từ trang trại khoảng 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Hội ND đề nghị công nhận OCOP, khẳng định thương hiệu cho 3 sản phẩm

Sức trẻ và ý chí đã tiếp thêm động lực để anh thực hiện giấc mơ ấp ủ bấy lâu. Năm 2018, anh quyết định đầu tư xây dựng xưởng chế biến, mua lò nướng, máy sao ruốc, máy hút chân không, tủ đông lạnh. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cá trắm đen, anh rất chú trọng công tác vệ sinh môi trường, khử trùng ao nuôi bằng vôi bột và chế phẩm vi sinh; thường xuyên thay nước; tận dụng nguồn thức ăn sạch như: ngô, con gion, ấu trùng ruồi lính, ốc bươu vàng. Điều đặc biệt, cá trắm đen dùng để chế biến phải có thời gian nuôi từ 3 năm trở lên để đạt chất lượng thịt săn chắc, ngon.

Để giúp sản phẩm cá trắm đen của anh Khoa đi vào thị trường thuận lợi, Hội Nông dân xã Mỹ Hà tích cực động viên, hướng dẫn anh đăng ký tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và vay vốn Ngân hàng NNPTNT số tiền 200 triệu đồng, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất. Năm 2021, sản phẩm cá trắm đen của gia đình anh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận OCOP, gồm 3 sản phẩm: Cá nướng hun khói, cá cắt khúc và ruốc cá, có mã vạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Điều này giúp sản phẩm cá trắm đen của anh khẳng định được thương hiệu, chất lượng, giá trị, đem lại niềm tin với người tiêu dùng.

 

Hội ND huyện Mỹ Lộc đã đề nghị công nhận OCOP, gồm 3 sản phẩm: Cá nướng hun khói, cá cắt khúc và ruốc cá của Nông trại Nhiên An.

Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng các sản phẩm OCOP huyện Mỹ Lộc do ông Lê Quang Huy- Phó Chủ tịch UBND huyện- Chủ tịch Hội đồng chủ trì vừa tổ chức chấm điểm đánh giá xếp hạng đối với sản phẩm cá trắm đen của cơ sở sản xuất Nông trại Nhiên An. Sau khi nghe giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm các thành viên Hội đồng tư vấn đã đánh giá cao và chấm điểm cho các sản phẩm đồng thời đưa nhiều ý kiến đóng góp quan trọng để hoàn thiện các sản phẩm như: Mẫu bao bì, Logo, thị trường tiêu thụ, thủ tục hồ sơ... đề nghị chủ cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa. Sau khi hoàn thiện sản phẩm sẽ được Hội đồng thẩm định của tỉnh chấm điểm và công nhận xếp hạng sản phẩm đạt OCOP.

Thành quả ban đầu đó giúp anh yên tâm gắn bó với nghề nông, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Mô hình chế biến cá trắm đen của gia đình đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của các ngành, các cấp, trở thành điểm sáng trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại địa phương. Bên cạnh đó, anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, giúp đỡ các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Nhận định về mô hình nuôi trồng, chế biến cá trắm đen của anh Khoa, ông Trần Đức Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hà cho  biết: “Hiện nay, xã Mỹ Hà chỉ có duy nhất hộ anh Trần Văn Khoa xây dựng cơ sở chế biến cá trắm đen. Anh Khoa có nhiều cố gắng tìm ra hướng đi trong nuôi trồng, chế biến sản phẩm cá trắm đen. Mặc dù vậy, việc đưa sản phẩm đến với người dân còn gặp trở ngại, một phần vì chưa nhiều người biết đến thương hiệu cá trắm đen chế biến của gia đình, một phần vì thị trường vẫn tiêu thụ dòng cá nuôi theo quy mô đại trà, có giá thành rẻ. Việc khuyến khích, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình khép kín, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng rất cần được quan tâm, đẩy mạnh”.