Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội viên nông dân Quỳ Châu thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Lữ Nghĩa - 19:06 16/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã hỗ trợ hội viên nông dân huyện Quỳ Châu (Nghệ An) phát triển kinh tế đang phát huy được hiệu quả.

Từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ như Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân tiên tiến làm kinh tế giỏi, nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Điển hình như mô hình phát triển kinh tế của gia đình hội viên Võ Đình Đề tại Chi hội bản Hợp Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Đây là một hộ nghèo tại địa phương, cuộc sống khó khăn, thu nhập bấp bênh. Không chấp nhận cái nghèo cứ đeo đẳng hết năm này qua năm khác, anh Võ Đình Đề đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 40 triệu đồng kết hợp với vốn tự có để đầu tư phát triển kinh tế.

Bước đầu, gia đình anh Đề mạnh dạn sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mua 2 con bò để chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt. Đến nay, mô hình của gia đình anh đã và đang đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo ra một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Chuồng nuôi bò của gia đình hội viên Võ Đình Đề. Ảnh: Lữ Nghĩa

Cho đến nay, từ 2 con bò giống mua vào năm 2014, bò của hội viên Võ Đình Đề đã phát triển thành đàn với tổng số lượng 8 con. Mỗi năm đàn bò sinh sản, gia đình đã xuất bán trong tổng đàn thu về hơn 50 triệu đồng. Bằng hình thức nuôi nhốt nên gia đình hội viên đã cải tạo khu vườn của gia đình để trồng thêm cỏ voi làm thức ăn tươi cho đàn bò của gia đình.

Không những thế, gia đình còn tận dụng cám gạo phối trộn với cây chuối tại vườn để làm thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và phát triển cho đàn bò của mình. Gia đình anh tận dụng rơm rạ vào mỗi mùa lúa, tích trữ nguồn thức ăn bằng cách phối trộn với phân đạm ure để tích trữ cho mùa đông, đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn bò.

Anh Võ Đình Đề chia sẻ: “Nhờ được tiếp cận từ  nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã mạnh dạn sử dụng vào để mua bò nuôi nhốt. Đến nay, kinh tế của gia đình đã được nâng cao, tạo ra một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đến năm 2020 gia đình đã xin thoát nghèo. Trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục nâng cấp chuồng trại, mở rộng và phát triển mô hình. Tôi mong vào thời gian tới sẽ có nhiều gia đình sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để vươn lên thoát nghèo”.

Vườn cỏ voi của gia đình anh Đề. Ảnh: Lữ Nghĩa

Chia sẻ về những kết quả hôm nay, anh Đề cho biết “Thành quả ngày hôm nay mà gia đình tôi có được một phần rất lớn là nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức hội ở xã, của xóm bản và đặc biệt là từ nguồn vốn vay chính sách, tôi rất cảm ơn và trân trọng điều này. Hi vọng Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng phát triển hơn nữa để nhiều người dân được biết đến, được vay vốn thoát nghèo, sản xuất kinh doanh để đời sống ngày càng được nâng cao hơn.”

"Từ nguồn vốn vay này, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đông  hội viên và nhân dân. Mong Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quan tâm, có nhiều chương trình vay hơn nữa để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay, nhân rộng thêm nhiều mô hình hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững” – Ông Sầm Đức Hoài - Chủ tịch Hội Nông dân xã bày tỏ.

Trồng nhãn, nuôi yến thành tỷ phú, giúp nhiều hội viên thoát nghèo
(Tapchinongthonmoi) Cũng như nhiều nông dân khác, hành trình đến với nghề nông của ông Phạm Ngọc Thân, ở thôn 4, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk từ hai bàn tay trắng. Nhưng bằng sự năng động, sáng tạo ông đã mở ra hướng phát triển kinh tế và làm giàu. Từ mô hình kinh tế trang trại đã giúp cho nhiều hội viên nông dân học hỏi và vươn lên.