Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hướng đi mới từ chăn nuôi bò 3B ở Võ Nhai

Hoàng Tính - 07:11 07/03/2022 GMT+7
Thay vì chăn nuôi bò truyền thống những năm trở lại đây nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư chăn nuôi bò 3B. Sau 12-15 tháng nuôi mỗi con bò 3B đã đem về thu nhập 30 triệu đồng.

Giống bò ngoại giúp nông dân Tràng Xá làm giàu

3B là tên viết tắt của giống bò Blanc-Bleu Belg, đây là giống bò thịt có nguồn gốc xuất phát từ Vương quốc Bỉ. Với đặc tính có cơ bắp phát triển siêu trội, chuyên nuôi để lấy thịt cao sản, bò có ngoại hình đẹp, thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao; trọng lượng trưởng thành con cái từ 8-9 tạ, con đực từ 1,1-1,2 tấn.

Do có tỷ lệ thịt cao nên bò 3B được nhiều hộ nông dân xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) lựa chọn để chăn nuôi làm giàu.

Tháng 6 năm 2019, ông Hoàng Văn Thế ở xóm Thành Tiến (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) đã đầu tư mua 2 con bò 3B về nuôi thử. Sau 15 tháng chăn nuôi ông xuất bán được 130 triệu đồng, trừ chi phí mỗi con bò đã đem về cho nhà ông Thế 30 triệu đồng, đến nay trong chuồng nhà ông Thế đang nuôi 14 con bò 3B khoẻ mạnh.

Theo ông Thế, việc chăn nuôi giống bò 3B không quá phức tạp, bởi đây là giống bò nuôi nhốt chỉ cần cho ăn cỏ voi, cám và có thể bổ sung thêm những phụ phẩm khác ở địa phương như ngô, rơm… bò 3B có sức đề kháng tốt, ngoại hình đẹp, ít dịch bệnh, lại tăng trọng nhanh.

Người chăn nuôi bò 3B ở xã Tràng Xá đánh giá đây là giống bò dễ nuôi, sức đề kháng tốt... rất phù hợp với chăn nuôi hộ gia đình và trang trại.

Cũng giống như gia đình ông Thế, tháng 9 năm 2019 gia đình bà Vi Thị Tuyên – Xóm Đồng Ruộng (xã Tràng Xá) đã đầu tư 210 triệu đồng để mua 10 con bò 3B. Dịp Tết Nguyên đán 2020 gia đình bà đã xuất bán lứa bò 3B với giá trị 600 triệu đồng, trừ chi phí gia đình bà Tuyên cũng bỏ ra được 300 triệu đồng.

Chia sẻ về việc chăn nuôi bò 3B, bà Tuyên cho hay: "Để phục vụ chăn nuôi đàn bò 3B, gia đình tôi đã trồng 10 sào cỏ voi để làm thức ăn chính, ngoài ra giống bò 3B này ăn khá tạp nên có thể bổ sung thêm cám gạo, ngô, bí đỏ… Trong quá trình nuôi cần lưu ý trước 2 tháng xuất bán, mỗi ngày vỗ béo bò 3B bằng cách  cung cấp khoảng 30kg thức ăn thô xanh và 3kg thức ăn tinh giàu năng lượng.

Bên cạnh đó, trong việc chăn nuôi bò 3B cần chú ý điều kiện vệ sinh thú y và tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa một số loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng.

Lan toả giống bò 3B

Ông Hoàng Văn Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho biết thêm: Nhận thấy việc chăn nuôi bò 3B đạt hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng cho nhu cầu của hội viên nông dân trên địa bàn xã Tràng Xá, Hội Nông dân xã Tràng Xá đã chủ động phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện Võ Nhai để tập huấn cho các hội viên nông dân trên địa bàn về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng, cách xây dựng chuồng trại, thời điểm quan trọng để vỗ béo… Đến nay trên địa bàn xã Tràng Xá đã có 20 hộ gia đình cùng chăn nuôi giống bò 3B với 150 con.

Bò 3B nuôi nhốt thuận lợi trong chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh

Qua đánh giá bước đầu của Hội Nông dân xã Tràng Xá nuôi bò 3B là mô hình hay đã cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do vốn đầu tư nuôi bò 3B khá lớn (trên 20 triệu đồng), nên các hộ mới nuôi chỉ nên nuôi với quy mô đàn nhỏ, để tích luỹ kinh nghiệm và vốn sau đó phát triển đàn dần qua từng năm.

Để phát triển đàn bò 3B các hộ cũng cần xây dựng vùng trồng cỏ voi (Mỗi bò 3B cần đầu tư trồng từ 1-1,2 sào Bắc Bộ) để làm nguyên liệu thức ăn chính. Trước khi chăn nuôi đàn lớn cũng tìm hiểu quy hoạch phát triển chăn nuôi ở địa phương để xây dựng vùng chăn nuôi xa khu dân cư.

Hiện nay không chỉ ở xã Tráng Xá, mô hình chăn nuôi bò 3B đã lan toả ra nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Võ Nhai như xã La Hiên, Phú Thượng, Lâu Thượng... Huyện Võ Nhai xác định mô hình nuôi bò hướng thịt 3B là một trong những hướng phát triển mới và đúng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Một số lưu ý khi nuôi bò 3B

- Chuồng trại nên xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo ấm áp vào mùa Đông và mát mẻ vào mùa Hè, nền chuồng không nên làm trơn láng. Khi thiết kế chuồng trại nên xây dựng cách xa nhà ở, hướng chuồng quay về hướng Nam hoặc Đông Nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng của chuồng, diện tích đảm bảo từ 4-5 m2/con.

- Từ 1-6 tháng tuổi: Thức ăn thô xanh 5-8 kg/con/ngày, thức ăn tinh 0,5-1 kg/con/ngày. Nên cai sữa bê vào khoảng 6 tháng tuổi.

-  Từ 6-14 tháng tuổi (giai đoạn cai sữa): Mỗi ngày cho ăn thêm 15-20kg thức ăn thô xanh, 0,5-1 kg thức ăn tinh. Mùa thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2-4 kg cỏ khô hoặc rơm ủ với urê để thay cho thức ăn xanh bổ sung.

-  Giai đoạn 15-18 tháng tuổi: Thức ăn thô xanh 35-40kg/con/ngày, thức ăn tinh 3 kg/con/ngày; Luôn luôn có nước sạch trong máng uống vào ban đêm, đặc biệt là mùa Hè và mùa sử dụng rơm khô làm thức ăn bổ sung cho bò tại chuồng.

-  Vỗ béo bò trước khi bán thịt: Trước khi bán thịt, nếu bò gầy ta cần vỗ béo khoảng 2 tháng sẽ cho lợi nhuận cao. Để bò nhanh béo ta áp dụng các kỹ thuật như: Tẩy giun sán trước lúc vỗ béo, nuôi nhốt tại chuồng suốt thời gian vỗ béo, mỗi ngày cho ăn 8-10kg thức ăn thô xanh, 3-5 kg thức ăn tinh chia làm 4-5 bữa trong ngày. Luôn luôn có nước sạch trong máng uống cho bò trong thời gian vỗ béo.