Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu không cần “ly nông, ly hương”

Huyền Anh - 08:10 01/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Khi mới lập nghiệp vợ chồng anh Quyền, chị Phượng ở thôn Hệ, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã từng phải “ly nông, ly hương”, làm thuê để kiếm sống. Tuy nhiên, với mong muốn tạo cho mình một công việc độc lập, tự chủ và nhìn thấy tiềm năng từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nên vợ chồng chị Phượng đã quyết định bỏ công việc với mức thu nhập cao so với làm nông đơn thuần để nuôi thỏ, phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn đầu tư ban đầu chỉ gần
Chị Nguyễn Thị Phượng chia sẻ kỹ thuật nuôi thỏ.

Bén duyên với nghề nuôi thỏ  

Theo chị Phượng, nghề nuôi thỏ bén duyên với mình một cách rất tự nhiên. Trước khi đến với nghề này chị đã từng làm công nhân may với mong muốn vừa không phải “chân lấm, tay bùn” vừa có thu nhập cao hơn so với làm nông thuần túy khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do con còn nhỏ, làm việc ở công ty đòi hỏi giờ giấc ngặt nghèo không có thời gian chăm sóc con nên chị Phượng quyết định bỏ việc. Lúc đầu mới nghỉ việc công ty, chị Phượng chưa biết làm gì. Để động viên vợ, anh Quyền đã mua vài con gà giống, vài con thỏ giống về cho vợ nuôi, vừa có thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc con nhỏ. 

Bắt tay vào cùng nuôi gà và nuôi thỏ song song một thời gian, chị Phượng so sánh thấy giữa con gà và con thỏ thì con thỏ đẻ nhiều, thức ăn cũng tương đối đơn giản, dễ nuôi, chi phí ít hơn mà thu nhập cao hơn nuôi gà nên chị đã mạnh dạn đầu tư đi sâu vào chuyên nuôi thỏ. Ban đầu chị nuôi 30 con thỏ nái với số vốn là 2,1 triệu đồng cộng với tiền lồng thỏ, tổng cộng hết gần 5 triệu đồng. Sau lứa thỏ đầu tiên thành công, chị Phượng tiếp tục gây giống và nhân đàn lên 50 con thỏ nái, 200 con thỏ thịt... và đến nay trong trang trại của chị lúc nào cũng có 250 con thỏ nái và hơn 2.000 con thỏ thịt.

Năm 2019, nhìn thấy được tiềm năng và cơ hội phát triển từ chăn nuôi, anh Quyền quyết định từ bỏ công việc lái tàu ở Hải Phòng với mức lương cao khoảng 20 triệu đồng/tháng để về cùng vợ phát triển mô hình chăn nuôi thỏ. Tiếng lành đồn xa, thấy anh chị nuôi thỏ thành công nhiều người đã tìm đến để mua thỏ giống và học kinh nghiệm nuôi thỏ, vì thế mà trang trại thỏ và các dịch vụ “ăn theo” từ thỏ của gia đình chị Phượng ngày càng phát triển.

Xưởng cơ khí gia công lồng, chuồng thỏ của gia đình anh chị Quyền Phượng tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 3 lao động với tiền công từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Làm giàu từ nuôi thỏ và các dịch vụ “ăn theo”

Vốn có kinh nghiệm về nghề cơ khí, trong quá trình bán thỏ giống anh Quyền thường tư vấn cho người nuôi về cách làm chuồng nuôi. Chính từ những kinh nghiệm và hiểu biết của anh Quyền nên nhiều người mua giống thỏ lại đặt anh thiết kế và lắp đặt lồng, chuồng nuôi. Từ đó, anh Quyền quyết định mở xưởng cơ khí để sản xuất và cung ứng lồng, chuồng thỏ. Hiện nay trại thỏ Quyền Phượng là một trong những cơ sở nuôi thỏ lớn ở Thái Bình, chuyên cung cấp thỏ giống, thiết kế, gia công, lắp đặt lồng, chuồng nuôi thỏ, tư vấn cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh thỏ cho từ 40-50 trại thỏ/năm, cao điểm có thể lên tới hàng trăm trại một năm, không chỉ trong địa bàn tỉnh Thái Bình mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố như TP. Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hoá…

Vừa làm, vừa tích lũy và học hỏi kinh nghiệm, trong quá trình nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, vợ chồng chị Phượng đã tận dụng thu gom phân thỏ để nuôi giun quế; lấy giun quế nuôi cá chạch, cá trê ta; rồi phân của giun quế được xử lý và hút chân không bán cho các hộ trồng cây cảnh; nước thải từ nuôi thỏ sẽ được xử lý thành biogas làm khí đốt. Như vậy sẽ tạo được vòng tuần hoàn khép kín không gây ô nhiễm môi trường mà lại có hiệu quả kinh tế cao.

Chị Phượng chia sẻ: Nuôi thỏ tương đối dễ, thỏ đẻ nhiều, mắn đẻ, mỗi năm một thỏ nái đẻ từ 7-9 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con. Thỏ con từ lúc sinh đến khi xuất bán khoảng 3,5 tháng, trọng lượng khoảng từ 2 - 2,5kg/con. Hiện tại thì chi phí thức ăn, thuốc men cho 1 con nái khoảng 1.500 đồng/ngày, hiện tại giá thỏ từ 85- 95 ngàn đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ rất tốt, không lo đầu ra… Nuôi thỏ dễ, tùy vào điều kiện của các gia đình về đất đai, nguồn vốn mà có thể nuôi ít hay nhiều. Quy mô nhỏ nhất có thể nuôi từ 5-10 con (với hộ gia đình), các trang trại lớn có thể nuôi từ 5 - 10 ngàn con. Để giúp đỡ bà con nông dân các địa phương lân cận có nhu cầu nuôi thỏ, ngoài việc cung cấp giống, thiết bị chuồng, lồng thỏ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc, phòng bệnh cho thỏ, với những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn chị Phượng đã tạo điều kiện cho ứng trước giống và tiền lồng, chuồng; có hộ ứng lên 20-30 triệu/lần, sau khoảng 2-3 tháng, có khi đến 1 năm mới hoàn trả lại.

Thịt thỏ là loại thực phẩm được tiêu thụ rất tốt, hiện tại, số lượng thỏ thịt của các trang trại quanh khu vực đang được tiêu thụ rất tốt trên thị trường trong nước và có triển vọng xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, khó khăn là hiện nay chưa thể mở rộng được trại, một mặt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhất là mấy tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt thì chỉ có những trại có vốn lớn mới tiếp tục nuôi, còn các trại nhỏ đã dừng chăn nuôi do chi phí quá cao mà giá bán thỏ ra thì thấp, người nuôi lỗ nặng. Vì vậy, chị Phượng cũng như những người chăn nuôi mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như cho vay vốn ưu đãi và điều chỉnh giá chăn nuôi hợp lý, ổn định để người nuôi không bị ảnh hưởng. Với một trang trại chăn nuôi lớn, thường là ở những nơi không tiện đường giao thông nên việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào cho trang trại cũng như sản phẩm đầu ra là khó khăn do đường sá chật hẹp hoặc tải trọng của đường quá thấp xe vận chuyển không lưu thông được cũng gây khó khăn lớn cho trang trại...

Với sự nhanh nhạy, cần cù, chịu khó, hiện nay mô hình chăn nuôi thỏ kèm theo dịch vụ cơ khí sản xuất bán lồng, chuồng thỏ; nuôi cá chạch, cá trê ta; nuôi trùn quế… mỗi năm gia đình chị Phượng có thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng.

Thành công khi tuổi còn trẻ (hơn 30 tuổi) vợ chồng chị Phượng luôn có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng như thường xuyên đóng góp xây dựng nông thôn mới như đường giao thông, xây dựng bếp ăn, nhà hóa của thôn; ủng hộ các quỹ từ thiện, giúp đỡ các hộ nghèo về giống vốn để nuôi thỏ. 

“Muốn phát triển đàn thỏ, trước hết phải chọn con giống tốt, khỏe mạnh. Con thỏ cũng khá nhiều bệnh như bệnh cầu trùng, nấm ghẻ, tiêu chảy, viêm phổi... Vì vậy, trong quá trình nuôi điều lưu ý thứ nhất là phải tiêm phòng bệnh bại huyết cho thỏ 2 lần/năm; thứ 2 là phải thường xuyên phòng nấm ghẻ, cầu trùng định kỳ cho thỏ. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ, thỏ cần được nuôi trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông…”
 Chị Trần Thị Phượng.