Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm, tôm sạch rộng lớn - Hướng đi cho con tôm, cây lúa Cà Mau

Hoàng Quân-Nguyễn Tiến Phước - 07:12 18/02/2022 GMT+7
Biến đổi khí hậu phức tạp nhưng nhu cầu thị trường về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang trở nên xu thế. Vì vậy, muốn cho thế mạnh con tôm, cây lúa của Cà Mau để làm cho người dân sống khỏe, chỉ duy nhất một lối đi: Đó là phải xây dựng được vùng nguyên liệu lúa thơm - tôm sạch rộng lớn.
Anh Văn Thành Nhựt, ấp 9, xã Trí Lực huyện Thới Bình Cà Mau trúng mùa tôm sạch nhờ vụ trước trúng mùa lúa ST25.

Hiệu quả mô hình cây lúa thơm, con tôm sạch

Khi chỉ trồng vài công ruộng lúa chịu mặn trồng trên đất nuôi tôm, với mục đích ban đầu là tạo gốc rạ cho tôm mùa vụ sau, nhưng đã có rất nhiều nông dân nơi đây đã trúng bội thu mùa lúa, đút túi vài chục triệu đồng ăn tết. Trên thực tế, thành công từ cách “làm chơi ăn thiệt” của bà con Tân Lộc như trên đã có từ nhiều năm nay ở Thới Bình và nhiều huyện khác trong tỉnh Cà Mau. Mô hình con tôm ôm cây lúa đang là xu thế tập quán canh tác của bà con nơi đây.

Tại xã Trí Lực Thới Bình, mô hình cây lúa thơm nuôi con tôm sạch đã và đang được đẩy mạnh thành một tập quán canh tác bền vững. Ban đầu, hạn mặn đã làm cho con tôm không trụ được khi độ mặn quá cao, quay sang trồng lúa thì các giống lúa cũng đều chết khiến đời sống người dân cơ cực. Cơ duyên giống lúa ST 24, ST25 đến nơi đây. Giống gạo ngon nhất thế giới lại phù hợp vùng đất mặn, nhiễm phèn này đã làm bà con đổi đời. Cứ trúng vụ lúa ST, đồng nghĩa sẽ trúng vụ tôm hữu cơ sạch đã làm người dân nhận thức rõ về tiềm năng một thị trường lúa sạch, tôm sạch. Từ đó cùng nhau vào Hợp tác xã, xây dựng sản phẩm OCCOP. Thương hiệu hạt gạo Hoàng Yến và Tôm sạch Trí Lực của gần 500 hộ dân của Hợp tác xã Trí Lực đã ra đời như vậy. Thương hiệu tôm - lúa Trí Lực đã và đang ngày càng được sự tín nhiệm của người tiêu dùng khi lượng tiêu thụ hàng năm tăng không sản xuất kịp.

Tại buổi họp mặt công tác với Bộ NN&PTNT ngày 9/2/2022, ông  Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với 23 tiểu vùng chuyên sản xuất tôm, lúa, lúa - tôm được người dân ủng hộ do tính hiệu quả bền vững, góp phần tăng trưởng cho địa phương và ổn định đời sống nhân dân. Có thể nói, con tôm - cây lúa đã và đang là một mũi ngọn trong phát triển kinh tế của Cà Mau.       

Cơ hội để người dân sống khỏe

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong một hội thảo gần đây cho rằng, lúa thơm - tôm sạch đã và đang là một mô hình hiệu quả để người dân sống khỏe vì thu nhập ngày được cải thiện nâng cao. Nhưng, người dân còn phải được khỏe  theo đúng nghĩa đen, đó là sản xuất tôm lúa trong môi trường sinh thái, đảm bảo cho người dân có sức khỏe tốt; không phải chịu ô nhiễm môi trường, nguồn nước đảm bảo sạch, không chịu tác động của phân bón. Muốn làm được điều đó, phải là trách nhiệm của toàn ngành, toàn xã hội trong tìm hiểu, định hướng nhận thức người dân trong phương cách sản xuất sinh thái an toàn, hình thành một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Nông dân đang thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm ở xã Tân Lộc huyện Thới Bình Cà Mau.

Ông Trần Văn Công tham tán kinh tế tại EU thông tin, nhu cầu gạo tôm sạch ở thị trường EU mỗi năm là 180.000 tấn, tuy nhiên hiện tại Việt Nam chỉ cung cấp mỗi năm chỉ tương đương 47.000 tấn. Chính vì vậy, Đồng bằng Sông Cửu Long vựa tôm, lúa chính của cả nước nếu hình thành được nền nông nghiệp sinh thái an toàn, cung cấp đủ lượng  gạo, tôm sạch cho thị trường thế  giới nói chung, thị trường EU (châu Âu) nói riêng, sẽ tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế, qua đó, sẽ là cơ hội đổi đời cho hàng triệu người.

Phải đồng bộ nhiều khâu

 Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua tác giả giống lúa  ST24 ST25 thông tin, những năm 2000, có hàng chục ngàn héc ta lúa vùng bán đảo Cà Mau chết trắng vì ngập mặn. Con tôm gặp mặn trúng mùa, nhanh chóng đổi đời  cưu mang hàng triệu người dân nơi đây. Nhưng lại không bền vững, bởi sau một thời gian ngắn, đất lại chay mặn không nuôi dưỡng được giống lúa mùa truyền thống, không đủ dinh dưỡng nuôi sống con tôm. Nên việc xen canh thành công giống lúa chất lượng cao ST ở vùng đất nhiễm mặn phèn của bán đảo Cà Mau là một cứu cánh cho người dân trước thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp đã khiến vùng đất Đồng bằng Sông Cửu Long trù phú ngày càng xuống thấp  dưới mực nước biển, kéo theo hạn mặn xâm thực ngày càng diễn biến phức tạp. Vấn đề này, còn cần sự đồng bộ ở các ngành, các khâu.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hàng năm nên diện tích lúa - tôm của Cà Mau luôn thay đổi, có lúc diện tích lấn ra biển khi hạn mặn xâm thực ít, nhưng có lúc lại lùi sâu vào nội địa do hạn mặn xâm thực cao. Vì vậy, nhu cầu cải tạo hệ thống thủy lợi để điều tiết mặn ngọt là rất lớn đối với Cà Mau. Đặc biệt, nhu cầu dẫn nước ngọt từ Cái Lớn, Cái Bé đang là điều kiện để ngành Nông nghiệp nuôi trồng Cà Mau phát triển mạnh trong thời gian tới.

Một số chuyên gia và lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, để mô hình lúa, tôm đi vào hiệu quả thiết thực rộng khắp, cần có sự điều chỉnh phối hợp giữa các ngành, các khâu. Trong đó có thể phải xem xét điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới khi phải nâng cấp mở rộng lộ giao thông nông thôn phù hợp qui trình sản xuất lúa thơm, tôm sạch. Mặt khác, nâng cấp chuẩn số hóa cho toàn bộ qui trình sản xuất nhằm tạo một qui chuẩn chất lượng sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Có như thế, sản phẩm lúa thơm –tôm sạch mới có thể dễ dàng thông hành vào các thị trường khó tính của thế giới như Mỹ, EU, Trung Đông….