Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngày Tết nói về bài thơ "Dặn con" của nhà thơ Nguyễn Khuyến

Lê Thanh Nhàn - 07:14 02/02/2022 GMT+7
Xưa nay, người ta đã nói rất nhiều về ông, ngay từ lúc còn sống. Người ta bàn về một con người học giỏi, đỗ cao, làm quan to và để lại một di sản lớn về thơ phú. Hơn một thế kỷ trôi qua, bao người đã chép thơ ông, bình thơ ông, thuộc thơ ông. Thơ ông không chỉ vang dội trong tầng lớp trí thức đương thời. Thơ ông đã đi vào cuộc sống, đi vào nhân dân, tiếp tục gây xúc động đến mỗi người dân chúng ta hôm nay.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Sinh thời, sau gần 30 năm đèn sách với 9 lần thi, ông đã đạt được nguyện vọng của mình: Đỗ đầu cả thi Hương, thi Hội, thi Đình, và ông được bổ nhiệm làm quan. Được một thời gian, không cam tâm hợp tác với giặc, trước nỗi đau xót của cảnh mất nước, nỗi khổ cực của dân nghèo, ông đã tự rời bỏ địa vị quyền quý để về làm bạn với những người nghèo khổ ở nông thôn. Từ một Đại thần, ông đã xóa nhòa ranh giới trở về với nhân dân, như một người thân thiết đang được mong chờ:

Cổng reo trẻ dón: ông về đó,

Gậy chống già chào: Bác đấy a!

Từ đây, ông sống nghèo khổ, đạm bạc như bà con:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,

Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

Sống nghèo khổ như nhân dân lao động và chan hòa với mọi người, ông càng hiểu thêm họ, chia sẻ với họ những nỗi buồn vui:

Cách giậu mời ông hàng xóm chén,

Chuyện toàn thóc lúa với tằm tơ...

...Vải chín, bà hàng bưng quả biếu,

Cá tươi, lão giậm nhắc nơm chào.

Trong hoàn cảnh đó, ông càng gần gũi hơn nữa với lao động và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Ông cùng với nhân dân lo lắng mỗi khi nắng hạn, mưa dầm... ông chia sẻ với nhân dân nỗi gian nan những khi mất mùa, đói kém:

Mấy năm cày cấy vẫn chân thua,

Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa,

Phần thuế quan Tây, phần trả nợ...

Về cuối đời, ông càng thấm thía công sức của nhà nông và của người nông dân hai sương một nắng. Qua bài “Dặn con” ông viết vào tuổi 74 - năm cuối của cuộc đời:

Năm mới vừa sang, năm cũ qua,

Tuy nghèo ta vẫn nhớ nhà ta

Chín sào tư thổ là đất ở

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà

Trước cửa khói dày non khuất bóng

Bên tường mưa ít cúc thưa hoa

Các con nối chí cha nên nhớ:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.

Sự thực thì ông cũng chẳng vui gì khi chính con ông sau khi thi đỗ cũng nhận chức làm quan. Và trước khi về với thế giới bên kia, lời ông dặn con nghe thật cảm động:

Các con nối chí cha nên nhớ:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà”.

Ảnh minh họa

Thường thì điều người ta tâm đắc nhất, quan tâm nhất mới thốt nên khi cuối đời. Trong bài thơ này, ông đã dặn là không được lơ là việc nhà nông, phải quan tâm đặc biệt đến nghề nông. Các con có chí nối nghiệp cha, nghiên bút là nghiệp nhà, nhưng không vì nghiệp lớn mà quên nghề nông, cụ thể là lúa, là đậu, là cà... những “sản vật bình dị” nhưng sao đỗi thân quen, nó gắn liền với nhân dân, nó là cuộc sống của nhân dân đặc biệt là dân nghèo trong xã hội loạn lạc lúc bấy giờ và nó nuôi sống cuộc đời ta!

Tết đến, Xuân sang, ngẫm về thơ cụ Tam nguyên Yên Đổ thật cảm phục sự sâu nặng của một tấm lòng nhà khoa bảng sống chết cùng những người nông dân nghèo khổ ở nông thôn Việt Nam - nơi cụ đã miêu tả tinh tế trong những áng thơ tuyệt mỹ.

Thật cảm động và thiêng liêng, cuộc sống bình dị đã đi vào áng văn chương của vị đứng đầu Đại khoa. Thơ ông tả về thiên nhiên, và thiên nhiên đã hiện ra với muôn màu sắc gắn bó thân thiết. Mỗi bài thơ là một thái độ của ông về từng sự kiện, với những buồn vui của thời đại, với cuộc sống của nhân dân mà cụ thể là những người nông dân chất phác mà cuộc đời và thơ ông tìm đến.