Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhờ xuất khẩu nông sản, thu tiền tỷ mỗi năm

08:52 19/05/2020 GMT+7
Với 40ha diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà rốt và củ cải, mỗi năm anh Nguyễn Văn Linh – thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) xuất khẩu gần 500 tấn củ các loại sang Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Tổng doanh thu của gia đình

Với 40ha diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà rốt và củ cải, mỗi năm anh Nguyễn Văn Linh – thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) xuất khẩu gần 500 tấn củ các loại sang Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…

Tổng doanh thu của gia đình anh đạt khoảng 9 tỷ/năm, giúp 50 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng và 100 – 150 lao động mùa vụ, thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày.

Khi dẫn chúng tôi đi tham quan khu canh tác nông sản xuất khẩu trên bãi bồi nằm giữa sông Hồng chảy qua địa phận Kinh Bắc, anh Linh chia sẻ: “Làm nông nghiệp, vấn đề tài chính là quan trọng nhưng điều lo nhất lại là người không có ý chí, bởi tất cả những khó khăn cần phải có ý chí để vượt qua”.

Anh Nguyễn Văn Linh thăm khu trồng cà rốt.

Từ bãi bồi hoang…

Anh Nguyễn Văn Linh nhớ lại quãng thời gian trước đây, lúc đó anh mới ngoài 30 tuổi, cũng bôn ba khắp nơi. Năm 2008, khi đến khu bãi bồi này vẫn để hoang, gập ghềnh, lồi lõm, hố to, hố nhỏ, cây cỏ mọc um tùm, chuột nhiều vô kể. Muốn sang được bãi thì chỉ đi bằng những chiếc thuyền thúng nhỏ, nên việc chở phân bón, cây giống và sản phẩm thu được cũng rất khó khăn. Chính vì vậy người dân nơi đây không ai có nhu cầu trồng trọt, canh tác, mặc dù đã được chia đất.

Thấy đất để không thì phí quá, anh Linh nghĩ với diện tích đất này anh có thể trồng bạch đàn, không tốn công chăm bón, lại chịu được nước ngập, chỉ khoảng 5 năm là có thể thu hoạch.

Mặc dù, các thành viên trong gia đình đều phản đối việc anh thuê đất bãi bồi làm nông nghiệp, nhưng anh Linh đã quyết là làm. Trái với ý định ban đầu là trồng bạch đàn, thì anh lại chuyển sang trồng cà rốt. Khi thuê đất xong, anh vận động nhiều hộ nông dân ở trong thôn cùng làm nhưng chỉ có 2 hộ đồng tình theo anh. Anh bảo với họ “cứ làm đi rồi tiền khắc đến”.

Có được khu đất, anh Linh thuê người chặt cây, san đất, cải tạo vùng bãi bồi. Anh mua một cái phà, mở bến để thuận tiện đưa các các loại máy móc (máy xúc, máy ủi, máy làm đất…) sang bãi để làm và chở sản phẩm đi tiêu thụ. Năm 2016, anh còn đầu tư tiền để xây dựng đập, nối từ bờ ra bãi bồi giúp cho các hoạt động sản xuất, vận chuyển và người dân đi lại dễ dàng. “Bao nhiêu công sức, tiền của để thuần phục mới có khu đất như này” – anh Linh chia sẻ.

“Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi cũng mất 4 năm khó khăn làm chỉ có lỗ với hòa vốn. 3 năm liền cứ gieo hạt xong thì bị ngập nước, thế là coi như mất trắng, “mất mấy căn nhà hai tầng”- anh Linh cười.

Lúc bắt đầu trồng chỉ với diện tích nhỏ khoảng 20 mẫu còn lại đất vẫn bỏ hoang. Anh Linh cho biết thêm: Khó khăn vẫn là tìm thị trường tiêu thụ, mình chưa chủ động được, sản phẩm làm ra bán tự do cho các đầu nậu, chủ yếu là bán hàng sấy cho các cơ sở sản xuất mì tôm nên có năm lỗ vốn… Nguyên nhân cũng do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm được kỹ thuật gieo trồng nên sản phẩm làm chưa đạt chất lượng. Nói chung là làm nông nghiệp rất vất vả, chi phí nhiều, lãi suất thấp.

 

Lao động làm việc tại khu đất bãi bồi của gia đình anh Nguyễn Văn Linh.

… đến khu đất thu tiền tỷ mỗi năm

Theo lời kể của anh Linh, những năm đầu khó khăn là vậy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và như anh nhận định là “có duyên” với đối tác Hàn Quốc. Năm 2012, họ tìm rất nhiều vùng đất để làm thí nghiệm, bãi của anh cũng được chọn nên anh dành vài sào để trồng giống do họ cung cấp. Thấy anh nhiệt tình, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn đã quy định, và được phía đối tác kiểm tra về mức độ an toàn, đảm bảo đủ các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Sau gần 3 năm thử nghiệm đối tác bắt đầu ký hợp đồng. Hàng năm, họ mang giống sang cho mình theo từng vụ và yêu cầu số lượng sản phẩm sau thu hoạch chứ không mang giống ồ ạt. Tiêu chuẩn của đối tác cũng không quá khắt khe, họ chỉ yêu cầu mình phải có máy làm đất đào thật sâu thì mới cho củ to, máy xúc ở Việt Nam chỉ đào được khoảng 20cm, không sâu, hiện đại như máy của Hàn Quốc. Phía đối tác cũng mời anh sang Hàn Quốc thăm quan mô hình của họ để có thể áp dụng ở Việt Nam.

Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm theo yêu cầu của đối tác, anh Linh nhập máy làm đất từ Hàn Quốc, đầu tư hệ thống phun tưới tự động, kho lạnh bảo quản sản phẩm… Đồng thời, anh còn trực tiếp tham gia và quản lý, giám sát ở tất cả các khâu để hạn chế tối đa rủi ro. Anh còn góp cổ phần với anh, em trong gia đình để thành lập Nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm rau củ. Sản phẩm sau khi thu hoạch, được sơ chế xong và đưa vào kho lạnh để cấp đông rồi mới xuất đi các thị trường quốc tế.

Với 40ha, trung bình mỗi năm, anh xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng hơn 100 tấn củ cải, hơn 300 tấn cà rốt sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Những củ không đạt tiêu chuẩn thì cho vào sấy, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm như chế biến gia vị mì tôm…

Anh Nguyễn Văn Linh cho biết thêm: Mỗi vụ trồng củ cải có thời gian khoảng 85 ngày, cà rốt 120 ngày. Khoảng thời gian còn lại thì anh tận dụng trồng những loại cây ngắn ngày như rau củ, dưa hấu… Hiện tại, đối tác Hàn Quốc đang muốn thành lập công ty ở Việt Nam và có nhu cầu tăng sản lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, những hộ nông dân khác muốn làm cần liên kết với anh, vì phụ thuộc vào nguồn giống của họ.

Không để cho đất nghỉ, anh Linh trồng thêm dưa hấu và nhiều loại cây trồng khác.

Không chỉ được tiếng về làm kinh tế giỏi, anh còn được mọi người yêu mến, quý trọng bởi sự nhiệt tình, giúp đỡ cho nhiều hộ dân cùng sản xuất như về giống, vốn cho 25 hộ gia đình; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho 50 – 100 hội viên nông dân. Mỗi năm giúp đỡ 5 – 10 hộ có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Ngoài ra, anh Linh còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và do Hội ND phát động, xây dựng NTM, ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, bảo đảm an ninh quốc phòng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với thành quả đạt được của mình cho cộng đồng, địa phương, anh Nguyễn Văn Linh đã nhận T.Ư Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 63 nông dân xuất sắc năm 2019.

“Anh Nguyễn Văn Linh là một nông dân dám nghĩ, dám làm, có bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh, đã tận dụng được diện tích đất để sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương, khắc phục được tình trạng bỏ hoang ruộng đất ở nông thôn hiện nay, góp phần làm giàu cho bản thân và quê hương. Bên cạnh đó, anh Linh còn tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương đặc biệt là hỗ trợ giúp đỡ các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Trần Đăng Sâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh.

Bài, ảnh: Tuệ Anh