Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Hà Nam thu tiền tỷ nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

Thanh Hảo - 07:09 08/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thấm nhuần câu nói của Bác: “Trên mặt trận nông nghiệp, mỗi đồng bào nhà nông phải là một chiến sĩ xung phong. Chiến sĩ trước mặt trận thì xung phong giết giặc bằng súng đạn. Chiến sĩ nhà nông thì xung phong giết giặc bằng cày cuốc, nghĩa là phải xung phong tăng gia sản xuất...”, nhiều nông dân Hà Nam đã có sáng kiến hay, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong chăn nuôi, trồng trọt quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Những tấm gương tiêu biểu
Là một trong những nông dân (ND) đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Kim Bình (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Anh Hồng cho biết: Năm 2013 trên địa bàn thôn Ngọc An và thôn Lương Đống ở xã Kim Bình có diện tích đất trũng các hộ dân không canh tác cấy lúa được. Lý do vì chi phí đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cao, hiệu quả thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp một số hộ trên địa bàn thôn đã trả lại diện tích đất nông nghiệp được giao khoán cho xã.
Trước tình hình đó, anh Hồng đã mạnh dạn nhận lại diện tích ruộng trên và 25 hộ gia đình khác tổ chức canh tác trên diện tích của hai khu là 30ha. Trong đó gia đình anh  nhận gần 20ha để mở trang trại.
Anh Hồng tâm sự: Là hội viên ND, anh được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề hàng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh nhận thức được việc học tập và làm theo gương Bác phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Với tinh thần học và làm theo gương Bác từ việc làm nhỏ nhất, anh luôn tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp. 
Gia đình anh Hồng đã tổ chức cải tạo đất đầu tư vốn, máy móc, giống, phân bón. Được sự hỗ trợ của Hội ND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp xã về KHKT anh đã tổ chức gieo cấy diện tích 8ha, vụ sản xuất đầu tiên trừ chi phí cho thu lãi trên 295 triệu đồng từ diện tích cấy lúa. Mặc dù thu nhập chưa cao xong đã góp phần hoàn thành kế hoạch gieo cấy của thôn, giải quyết việc làm cho 51 lao động có việc làm ổn định tại địa phương. 
Anh tiếp tục quy hoạch diện tích 5ha chuồng trại nuôi gà đẻ siêu trứng 62.000 con, mỗi ngày cho thu trên 55 nghìn quả trứng gà, nuôi vịt thịt trên 28.000con/lứa. Diện tích nuôi cá 3ha. Trong chăn nuôi, anh Hồng đã chú trọng việc tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gà; vệ sinh, khử trùng tiêu độc được thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra gia đình anh Hồng còn kinh doanh đại lý thức ăn gia súc, gia cầm cấp 1 cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong xã, mỗi tháng bán được trên 380 tấn cám.

Mô hình nuôi gà lấy trứng của gia đình anh Hồng, xã Kim Bình, TP. Phủ Lý . 

Với 2ha còn lại tại khu đồng Nảy dưới thôn Lương Đống đã thành lập khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được trạm chăn nuôi thú y thành phố công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Từ mô hình trang trại tổng hợp, kinh doanh đại lý gia đình anh Hồng thu lãi hơn 7 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, bản thân anh Hồng luôn tích cực tham gia các phong trào ủng hộ giúp đỡ các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, hỗ trợ vật nuôi, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho 57 lao động tại xã thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Đến thăm mô hình trang trại của anh Đặng Xuân Nam ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ai cũng ấn tượng vì khá bài bản. Sau khi vật nuôi thả phân ra chuồng sẽ được công nhân tại trại dọn và rửa ra thệ thống bể ủ cùng với men vi sinh. Khi ủ đủ thời gian, anh Nam sẽ dùng máy bơm hút và tưới cho cỏ voi, chuối... Bên cạnh đó, anh Nam còn dùng phân hữu cơ tại trại của mình để chăm bón cho khoảng trên 15ha cây húng quế để sản xuất tinh dầu dược liệu. Đến khi thu hoạch húng đưa vào sản xuất tinh dầu, số bã thải của loại dược liệu này cũng sẽ được anh Nam đưa ra khu ủ để làm phân quay lại bón cho các loại cây trồng tại trang trại. "Chất thải ở trang trại của chúng tôi đều được coi là tài nguyên quý, một loại nguyên vật liệu dùng để sản xuất phân dùng để chăm bón cho chuối, ngô, húng... Dùng phân hữu cơ không chỉ nhằm cải tạo đất, đáp ứng đủ dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu nhanh, phát triển tốt cho năng suất cao và hiệu quả hơn. Nhờ thế mà chúng tôi giảm được chi phí mua phân hóa học, xử lý môi trường khép kín tuần hoàn rất hiệu quả", anh Nam chia sẻ.
Theo anh Nam thông tin với diện tích trên 30ha vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn hoàn khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi bò sữa, sản xuất tinh dầu dược liệu... mỗi năm trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi bò của nông dân huyện Bình Lục.

Theo ông Tạ Văn Đạt  - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam cho biết, trong năm 2022, các cấp Hội ND Hà Nam đã chủ động phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho 125.884 lượt hội viên. 
Trong 5 năm qua, tỉnh Hà Nam đã có trên 304.730 hộ hội viên tiêu biểu đạt danh hiệu hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó số hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực trồng trọt là 60.236 hộ. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có 50.536 hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi. Lĩnh vực kinh doanh tổng hợp có 22.543 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi. Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản có 14.502 hộ, lĩnh vực dịch vụ thương mại có 25.000 hộ. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 1.600 hộ. Đặc biệt, mỗi năm có hàng trăm tập thể, cá nhân được tuyên dương Gương điển hình làm theo lời Bác. Nhiều ND nỗ lực vượt khó, đạt thành tích vượt bậc và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vật chất, tinh thần, sức lực... trong cộng đồng, giúp bà con cùng làm giàu. Họ là những hạt nhân tích cực, có sức lan tỏa, góp phần nhân rộng phong trào, nâng cao tính tự chủ của nông dân.