Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Yên Mỹ trồng ổi lê “được cả mùa lẫn giá”

Doãn Thành Đạt - 07:13 03/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua các cấp Hội Nông dân huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) luôn tích cực tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Hội cơ sở và hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Hiệu quả kinh tế vượt trội từ mô hình tổ hợp tác “Sản xuất ổi VietGAP”

Xã Hoàn Long là vùng quê thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ thâm canh cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã thường nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hợp tác, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào, lãi được từ 1-2 triệu, cũng chỉ đủ “vụ trước bù vụ sau”. Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân trong xã có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, Hội Nông dân xã đã xây dựng mô hình tổ hợp tác “Sản xuất ổi VietGAP”. Qua 3 năm hoạt động, đến nay tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả gắn kết hội viên nông dân trong phát triển sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên.

Ổi là một loại trái cây quen thuộc của người Việt, theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng vitamin C trong ổi nhiều gấp 4 lần Cam, các thành phần trong ổi còn chứa các chất khác như vitamin A, axit folic, chất xơ... ăn ổi thường xuyên và đúng cách có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, làm đẹp, giảm cân và một số tác dụng chữa bệnh khác. Biết được những tác dụng đó từ trái ổi, cũng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, cho sản lượng cao, mang lại sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh – xã hội của địa phương.

Tại thôn Ngân Hạnh, phát huy lợi thế vốn có của vùng đất màu mỡ, những năm qua các hộ dân đã đưa giống ổi lê Đài Loan về trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả trước đây. Khi mới thành lập năm 2020 tổng số diện tích trồng là 15ha với 85 hộ tham gia tổ hợp tác, năm 2021 thôn phát triển thêm được 5ha và tăng thêm 24 hộ, 6 tháng đầu năm 2022 thôn tiếp tục mở rộng thêm 5 ha và 41 hộ tham gia. Cũng giống như thôn Ngân Hạnh, các thôn trong xã như Hòa Mục; Chấn Đông; Đại Hạnh, mỗi thôn đều phát triển được 5ha/năm và số hộ tham gia tổ hợp tác từ 22 đến 27 hộ/tổ/năm. Tính đến nay xã Hoàn Long có tổng số 4 tổ hợp tác “Sản xuất ổi VietGAP” với diện tích trồng là 70ha và 426 hộ tham gia. Với sản lượng từ 23 đến 25 tấn/ha/năm cùng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, giá ổi dao động từ 11.000-13.000 đồng/kg, nông dân trồng ổi sẽ “được cả giá lẫn mùa”.

Các bộ Hội ND tham quan mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ.

Băn khoăn trong việc phát triển thương hiệu và tìm đầu ra ổn định

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Luyến - Tổ trưởng tổ hợp tác thôn Ngân Hạnh, đại diện cho các thành viên trong tổ cho biết: “Chúng tôi thấy vào Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGap rất có lợi. Thứ nhất là khi cây bị sâu bệnh hoặc khi chăm sóc thì tất cả cùng đóng góp ý kiến với nhau để tìm hướng giải quyết tốt nhất. Thứ hai là khi thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm thì tất cả các hộ trong tổ đều bán chung một giá, như vậy là rất hợp lý, vừa thúc đẩy nhau cùng phát triển, lại gắn kết hội viên nông dân trong phát triển sản xuất …”. Ngoài việc cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như tiêu thụ, khi tham gia vào Tổ hợp tác thì các hộ nông dân còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện về nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân và vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ vậy, nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn xây dựng các mô hình mới theo quy mô tổ hợp tác.

Đặc biệt, từ mô hình này đã giải quyết được việc làm cho hàng nghìn lao động tại các gia đình trong tổ hợp tác và tại địa phương, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm ăn khá giả và trở thành những tấm gương điển hình về làm ăn kinh tế, tiêu biểu như hộ gia đình ông Trần Văn Tha, ông Ngô Văn Thuyên ở Chi hội 2, thôn Chấn Đông.

Không chỉ tạo việc làm cho lao động tại địa phương, hàng năm các tổ hợp tác đều tích cực ủng hộ các chương trình, các cuộc vận động do các cấp phát động với tổng số tiền từ 30 đến 50 triệu đồng/năm. Để hoạt động có hiệu quả cao, hàng tháng các tổ hợp tác duy trì sinh hoạt tạo điều kiện để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, từ đó áp dụng vào sản xuất cũng như nắm bắt, chia sẻ về thị trường tiêu thụ. Bên cạnh hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác, các thành viên trong tổ cũng không khỏi băn khoăn trong việc phát triển thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trong tương lai, bởi lượng ổi được thu hoạch hiện nay bán ra thị trường còn thiếu tính ổn định, khâu bao tiêu sản phẩm thực hiện chưa được hiệu quả, còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các tư thương.

Để phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Mỹ tiếp tục vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng đơn vị, từng ngành nghề trong các lĩnh vực: chăn nuôi, chế biến, sản xuất tiêu thụ nông sản và các ngành theo sở thích đảm bảo theo hướng an toàn, bền vững. Xây dựng hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết theo các nhóm hộ cùng mục đích sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Hiệu quả khả quan từ canh tác giống lúa ngoại ở Lạng Sơn
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vụ Xuân năm 2022, nông dân 2 xã Hoà Sơn và Cai Kinh (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã cấy khảo nghiệm giống lúa TBJ3 Japonica theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bước đầu đã cho hiệu quả tốt như: Đẻ nhánh khỏe, khả năng chịu rét, chịu nóng rất tốt, kháng chịu sâu bệnh, chống đổ tốt, năng suất cao.