Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thành tỷ phú nhờ trồng bưởi Quế Dương

Yến Trang - 16:08 06/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với giá trị canh tác 500-600 triệu đồng/ha/năm, bưởi đã trở thành loại cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân Cát Quế đồng thời là Giám đốc HTX Bưởi an toàn Quế Dương đã trở thành tỷ phú nhờ trồng bưởi đặc sản quê hương.

Thành lập Hợp tác xã trồng bưởi, bán 150-200 tấn bưởi Quế Dương mỗi năm, doanh thu hàng tỷ đồng

Ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân Cát Quế đồng thời là Giám đốc HTX Bưởi an toàn Quế Dương cho biết: 10-15 năm trước đây, người dân xã Cát Quế đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, khoai sang trồng bưởi Diễn, bưởi đường... cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Điều đặc biệt, cây bưởi Diễn rất hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, thơm, ngon nên liên tục được người dân mở rộng diện tích. Tính đến nay, toàn xã Cát Quế đã trồng được gần 80ha bưởi, với các giống chính là bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi đường...

Lâu nay, người dân xã Cát Quế chủ yếu trồng táo trong vườn, năng suất thấp, thu nhập không cao. Ông Hảo đã quyết định chọn cách làm khác, đổi từ trồng táo sang trồng bưởi. Vào ngày nghỉ, ông khăn gói đi học hỏi nhiều nơi về kỹ thuật trồng bưởi và các loại cây ăn quả… Hễ nghe huyện, thành phố có lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả, ông Hảo lại tìm đến. Sau khi tiếp thu được vốn kiến thức kha khá, ông quyết định mở rộng diện tích trồng bưởi. Các loại cây trong vườn được đa dạng hóa: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam, chanh đào, ổi Đài Loan… cho doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Như Hảo giới thiệu, có gia đình sở hữu những vườn bưởi từ 15-20 năm cho ra những sản phẩm cao cấp, bán tại vườn đã lên tới 50.000-60.000 đồng/quả mà vẫn không có đủ hàng để khách đặt. Hàng năm cung ứng cho thị trường trên dưới 200 tấn bưởi Quế Dương, đồng thời tạo việc làm cho 15 - 25 lao động thời vụ. Với giá bán trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng/quả, giống bưởi Quế Dương cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Hảo đang kiểm tra vườn bưởi. 

Ông Hảo kể: “Năm 2013 Hội Sản xuất - Kinh doanh Bưởi Quế Dương được thành lập cùng với hàng loạt các hội khác trong huyện như Hội Nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội làng nghề Sơn Đồng… Sau này khi thấy các Hội không phù hợp lắm với sự phát triển của cơ chế thị trường, UBND huyện mới định hướng chuyển đổi thành các Hợp tác xã. Hướng đi này cũng rất phù hợp với sự khuyến khích về kinh tế tập thể của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, nhưng chỉ có chúng tôi thành lập được Hợp tác xã Sản xuất Bưởi an toàn Quế Dương vào năm 2019 với 9 thành viên với tổng diện tích 3 ha bưởi trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Hợp tác xã hơn Hội ngành nghề ở chỗ là có đầy đủ tư cách pháp nhân, đi giao dịch rất tiện, độ tin cậy của người tiêu dùng cao hơn. Quan trọng hơn là Hợp tác xã còn làm nhiệm vụ bao tiêu sản xuất cho bà con ở trong xã và ngoài xã. Hiện mỗi năm chúng tôi bán được 250.000-350.000 quả bưởi Quế Dương ra thị trường, tương đương với 150-200 tấn. Việc bao tiêu ấy chủ yếu do tôi và anh Phó giám đốc lo liệu, còn những hộ thành viên khác trong Hợp tác xã và các hộ dân liên kết chỉ cần chú tâm vào làm vườn, chăm sóc cây mà thôi”.

Theo ông Nguyễn Như Hảo, mấy năm gần đây, mặc dù bưởi Diễn bị "mượn danh" bán khắp phố phường, ngõ hẻm của Hà Nội nhưng nơi đây vẫn không đủ hàng để bán. Gần như chưa bao giờ người dân nơi đây phải mang bưởi đi bán mà thương lái và người tiêu dùng tìm đến tận gốc bưởi đặt hàng. Những vườn bưởi được cho là có chất lượng cao đến tháng 12 đã được khách hàng đặt hàng hết.

Tập trung phát triển bưởi đường Quế Dương - sản phẩm OCOP 4 sao của Hà Nội

Bưởi đường Quế Dương có bộ lá to, xanh đậm che cho quả ít bị sém nắng và đặc biệt có hệ thân cành phát triển mạnh, gấp đôi so với giống bưởi Diễn phổ biến quanh vành đai Hà Nội hiện nay. Giống bưởi này có dáng tròn hơi dẹt, cùi mỏng, lúc chín có màu vàng mịn rất đẹp, rất thơm. Quả khá to, trung bình nặng từ 1,2 - 1,5kg, cũng có quả nặng tới 5kg. Múi bưởi đều, dài trung bình 9 – 10 cm, dày từ 3 – 4 cm. Bưởi Quế Dương có vị ngọt vừa phải.

Đặc biệt, giống bưởi này thuộc loại chín sớm, có thể thu hoạch từ Rằm tháng Tám. Điều này giúp cho cây có thời gian phục hồi để ra hoa, tạo quả vào đầu năm sau, và lâu bị già cỗi. Hiện tại, ở xã Cát Quế có một số cây đã được trên 40 năm tuổi vẫn phát triển tốt, cho quả đều đặn.

Một ưu điểm khác của giống bưởi này là quả chín khi hái xuống có thể để được lâu mà ít bị thối, tép ít bị khô trong điều kiện bảo quản dân dã. Thông thường, khi thu hoạch chính vụ vào đầu tháng 11 dương lịch, người dân chỉ cần xếp quả dưới nền nhà nơi cao ráo cũng có thể để được đến tháng 5, tháng 6 năm sau.

Với những ưu thế đặc thù như chịu hạn, chịu ngập úng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao lại được áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn bưởi của các hộ gia đình ở xã Cát Quế cho năng suất cao hơn, nhờ đó thu nhập của mỗi gia đình cũng tăng lên đáng kể, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện. Ước tính, mỗi sào trồng giống bưởi này có thể cho năng suất từ 1,5-2 tấn quả/năm.

Bưởi Quế Dương có quả khá to, trung bình nặng từ 1,2 - 1,5kg, cũng có quả nặng tới 5kg. 

Bưởi đường Quế Dương đến nay đã được đăng ký thương hiệu trên thị trường, trở thành một loại đặc sản quý sánh với bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Đoan Hùng… Sau khi ứng dụng mô hình VietGAP của Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội, chất lượng sản phẩm được kiểm duyệt và đảm bảo, nhờ đó bưởi Quế Dương được đưa vào siêu thị và trở thành một mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm bưởi Quế Dương có chất lượng tốt, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và đã được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Ông Nguyễn Như Hảo - Giám đốc HTX Bưởi an toàn Quế Dương chia sẻ, trong khi nhiều loại bưởi khác trên thị trường bị rớt giá, tiêu thụ chậm thì bưởi Quế Dương vẫn tiêu thụ thuận lợi với giá bán trung bình 40.000 – 60.000 đồng/quả. “Mong muốn của các hộ trồng bưởi ở Cát Quế là được liên kết với các doanh nghiệp đưa sản phẩm bưởi an toàn tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị, cửa hàng rau quả sạch để nâng giá trị sản phẩm và thu nhập của nông dân” - ông Hảo bày tỏ.

Mới đây, ông Hảo khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặt ngay tại gia đình mình, giới thiệu các sản phẩm OCOP bún, miến Minh Dương, miến Trung Kiên, gừng Trí Đức, gia vị Hùng Thắng và không thể thiếu là bưởi Quế Dương. Ông Nguyễn Như Hảo là đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” ngiai đoạn 2017-2022 tới đây.

Trồng nhãn, nuôi yến thành tỷ phú, giúp nhiều hội viên thoát nghèo
(Tapchinongthonmoi) Cũng như nhiều nông dân khác, hành trình đến với nghề nông của ông Phạm Ngọc Thân, ở thôn 4, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk từ hai bàn tay trắng. Nhưng bằng sự năng động, sáng tạo ông đã mở ra hướng phát triển kinh tế và làm giàu. Từ mô hình kinh tế trang trại đã giúp cho nhiều hội viên nông dân học hỏi và vươn lên.