Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân giỏi Lâm Đồng thu tiền tỷ từ “cặp đôi” bơ - sầu

Ái Vân - 15:39 12/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Với diện tích trên 10ha đất trồng cây bơ, sầu riêng, sản xuất giống cây trồng, kinh doanh nông sản, mỗi năm đã đem lại cho anh Lê Sỹ Hòa, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập từ 8- 12 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Sỹ Hòa chăm sóc sầu riêng. 

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị cây bơ 034 

Anh Lê Sỹ Hòa chia sẻ: Để có được kết quả như ngày hôm nay, gia đình anh cũng trải qua những năm tháng khó khăn cực nhọc. Năm 1996, gia đình anh rời quê hương Hải Dương vào xã Tân Lạc huyện Bảo Lâm làm kinh tế. Thời gian đầu rất vất vả vì toàn bộ đất đai đồi dốc, đường đi lối lại khó khăn. Thêm nữa, anh chưa có kinh nghiệm trồng cà phê, chè nên hiệu quả kinh tế không cao, đời sống gia đình cũng rơi vào tình trạng thiếu thốn đủ bề. Năm 2003, được cán bộ Hội Nông dân tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cây trồng nên anh được Hội Nông dân huyện Bảo Lâm giới thiệu, cung cấp cho 150 cây sầu riêng Thái Lan về trồng. Tuy nhiên, thời gian đầu anh chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng và số lượng trái sầu chưa cao nhưng anh nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn và có thể giúp mình nâng cao nguồn thu nhập.

Ngoài lợi thế về cây chè và cây cà phê, huyện Bảo Lâm còn có thêm một lợi thế mạnh nữa là cây bơ, sầu riêng... Chính vì vậy, anh Hòa quyết tâm tìm hiểu về cách chăm sóc cây sầu riêng vừa cho nhiều trái mà chất lượng quả ngọt. Ngoài tìm hiểu ở sách báo, anh còn được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức. Nhờ có những kiến thức cơ bản, năm 2012 anh Hòa quyết định bỏ cây cà phê và cây chè để chuyên canh sâu vào cây ăn quả là cây sầu riêng Thái Lan và cây bơ 034. 

Theo anh Lê Sỹ Hòa, Bảo Lâm là nơi có địa hình đồi núi dốc nhiều nên không bị úng nước, mưa không đọng nước lâu cũng là điều kiện cho cây bơ phát triển. Đặc biệt hơn, với lượng ánh nắng nhiều cây dễ dàng quang hợp và hấp thụ chất dinh dưỡng. Hiện tại, tất cả các giống bơ nói chung và bơ 034 nói riêng đều cho thu hoạch chính vụ bắt đầu từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 hàng năm. Chính vì thế, ngoài trái sầu riêng anh đã chọn cây bơ 034.

“Hiện nay, cây bơ và sầu riêng là cây ăn quả đã và đang được người nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng lựa chọn trồng để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong tất cả các giống bơ tại Lâm Đồng thì bơ 034 đã khẳng định được thương hiệu hàng đầu chất lượng quả có cơm dẻo và thơm ngon bậc nhất” - anh Hòa cho biết thêm.

Bên cạnh đó, thấy nhu cầu của bà con về phát triển kinh tế vườn, trồng nhiều các loại cây ăn quả, gia đình xây dựng vườn ươm và sản xuất cây giống, chồi ghép cung cấp cho bà con.

Do nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm phải sạch và an toàn nên gia đình đã đi sâu theo hướng canh tác sản xuất theo hướng hữu cơ để cho ra sản phẩm chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sản xuất nông sản sạch sẽ góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người.

Bơ 034 thơm ngon nức tiếng.

Liên kết sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập

Anh Lê Sỹ Hòa cho biết: Với tổng diện tích 10ha, trong đó có 8ha trồng bơ và 2ha trồng sầu riêng, mỗi năm vườn nhà anh có thể thu được khoảng 70 tấn quả (bơ 034 là 45 tấn, sầu riêng 25 tấn, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí có thể thu lãi 1,2 tỷ đồng. Gia đình anh còn tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương với mức thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng.

Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, chế biến và những sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; việc đổi mới công nghệ trong canh tác nên tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Vì vậy, kể cả trong những năm giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhưng trái bơ và sầu riêng của gia đình anh vẫn tiêu thụ được bởi chất lượng quả ngon, được nhiều thương lái tìm đến đặt hàng.

Để không bị thương lái ép giá, và tạo điều kiện cho các hộ trồng cây ăn quả ở địa phương yên tâm sản xuất, anh Hòa còn thu mua từ 20 đến 25 tấn sản phẩm/vụ giúp tiêu thụ trái cây cho các hộ nông dân tại địa phương. 

Ngoài ra, anh Lê Sỹ Hòa còn sẵn sàng giúp bà con nông dân về kỹ thuật sản xuất hữu cơ, mở các buổi hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất ngay tại vườn của gia đình. Đồng thời anh còn trợ giúp việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ nông dân khác trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.  

Chia sẻ về việc đầu tư phát triển của cây bơ, anh Lê Sỹ Hòa cũng băn khoăn, thời điểm hiện nay, ở Bảo Lâm, phần lớn là bà con nông dân trồng xen cây bơ với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, về lâu dài và để đảm bảo tính bền vững, nhất thiết là cần phải có sự định hướng, phát triển theo quy hoạch. Bởi vì đầu ra cho sản phẩm là điều quyết định. Thị trường quả bơ cũng bắt đầu mở rộng dần, không chỉ ở trong nước, mà hiện nay ra đến thị trường Nhật Bản, Mỹ và Indonesia… Chính vì vậy, làm thế nào để trái bơ có được thương hiệu vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước, giúp người trồng yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập.

Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ thêm: Cây bơ rất thích hợp với vùng đất Bảo Lâm cho quả với chất lượng thơm ngon vượt trội. Thời gian qua, Hội đã hướng dẫn nông dân, trồng xen với các loại cây trồng khác và khuyến khích nông dân trồng cây bơ với mật độ thưa. Ngoài ra, luôn hướng dẫn nông dân phải thận trọng trong việc chọn giống, nên chọn giống đã được ngành Nông nghiệp tuyển chọn và được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận cung cấp cây giống nhằm đảm bảo chất lượng. Có như vậy mới nâng cao được giá trị, cây bơ có chỗ đứng trên thị trường. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là công an viên tại địa phương, anh thường xuyên vận động nhân dân trong xã nâng cao ý thức cảnh giác trong việc đấu tranh phòng ngừa, tố giác tội phạm, tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Anh Hòa còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tự bỏ kinh phí hơn 800 triệu đồng làm đường bê tông vào khu sản xuất, nhà ở để thuận tiện trong việc giao thông đi lại và vận chuyển nông sản…. 

“Anh Lê Sỹ Hòa ngoài làm kinh tế giỏi anh còn tích cực giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân khác để cùng làm giàu, nâng cao nguồn thu nhập, luôn tích cực tham gia các hoạt động và phong trào do huyện Hội và địa phương tổ chức. Vận động nhân dân trong thôn chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng các tuyến đường hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường đường làng ngõ xóm…”
Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Hội ND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.