Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu tiền tỷ từ trồng cây, nuôi con đặc sản

Quang Đạo - 07:07 27/12/2021 GMT+7
Từng bị coi là “khùng” khi đổ công sức, tiền bạc đi khai phá đồi hoang, nhưng đến nay ông nông dân Lò Văn Miên, người dân tộc Thái ở bản Na Ten 1 (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã gây dựng lên 1 trang trại nhìn đâu cũng ra con đặc sản, cây đặc sản. Hơn 10ha cam, bưởi, ao cá, chuồng nuôi lợn rừng, gà đen đã đem lại cho ông hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lò Văn Miên chăm sóc bưởi.

Nhớ những ngày bỏ phố lên rừng

Hành trình làm kinh tế của ông  Lò Văn Miên được khởi đầu vào năm 2001, khi ông cùng gia đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ 60ha đồi rừng thuộc khu vực Huổi Xưa, bản Na Ten, xã Hua Thanh.

Ngoài hơn 50ha đồi rừng được phủ xanh bằng những loại cây có giá trị như bương, trám, dổi, keo lai… ông dành riêng gần 10ha để quy hoạch phát triển trang trại. Đến nay, cả một quả đồi hơn 10ha cam, bưởi Diễn, bưởi da xanh quả sai trĩu cành chuẩn bị cho thu hoạch. 

Từ đồi trọc, dưới bàn tay, công sức của ông Miên và gia đình giờ đã cho mùa vàng, quả ngọt. Nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày gian khó, ông Miên không khỏi bùi ngùi. 

“Những năm đầu tôi lên đây khai khẩn đồi hoang làm trang trại, cả bản ai cũng cười chê. Nói tôi là lão khùng, phố phường thì không ở lại lên đồi trồng những loại cây mà theo họ chỉ có những cán bộ có trình độ “cao siêu” mới làm được. Đi đâu gặp tôi, người già, trẻ nhỏ đều thì thầm lão này đúng là hâm thật rồi, ruộng đất dưới này thiếu gì mà phải bỏ lên đồi trồng cây”, ông Miên tâm sự.

Những ngày đầu làm trang trại, trồng cây ăn quả, không chỉ người dân bảo ông là khùng, là hâm mà ngay vợ con ông cũng không tin vào thành quả như ngày hôm nay. Lúc đầu nghe ý tưởng của ông, vợ con đều phản đối. Ông một mình lên đồi phát cỏ, đào hố rồi mua cây giống về trồng. Tiền mua cây không có, phải bán cả trâu, lợn, dê. Thấy ông quyết tâm, mọi người trong nhà cũng ủng hộ, cùng làm, năm đầu tôi trồng 1ha cam.

“Nhưng đồng vốn ít ỏi gia đình dành dụm được đã hết, tôi đánh liều vay Ngân hàng Chính sách Xã hội. Dẫn cán bộ ngân hàng đến thăm trang trại và nói rõ ý tưởng của mình, tôi đã được vay 10 triệu đồng. Có được vốn ngân hàng, tôi đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cam”, ông Miên nói. 

Trang trại gà của ông Miên

Ý định phát triển một trang trại tổng hợp, trồng cây nuôi cá, gia súc, gia cầm được ông Miên triển khai rất bài bản. Do chưa có vốn để trồng cây ăn quả, thời gian đầu ông đắp đập, ngăn khe suối cạn để làm ao nuôi cá. Đất rừng rộng, ông đầu tư nuôi đàn dê hơn 100 con. Sau 4 năm, đồng vốn tích cóp được ông không nuôi dê mà chuyển sang trồng cam, bưởi.

Lấy ngắn nuôi dài, cây cam, bưởi cho thu hoạch đến đâu, đồng vốn lại được ông Miên quay vòng đầu tư vào diện tích trồng mới. Để có kỹ thuật phòng chống các loại sâu bệnh hại cây, ngoài tham quan tại các khu vực trồng cam, bưởi nổi tiếng cả nước thì ông Miên còn tìm hiểu thông tin trên sách báo. 

Ông Miên tâm sự: “Kinh nghiệm làm ăn ở đấy chứ đâu, các báo giới thiệu nhiều mô hình trang trại, những gương nông dân làm giàu, cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây ăn quả, cái quan trọng là người dân có biết học hỏi để làm”.

Biến đồi trọc thành trang trại “vàng”

Làm không quản ngại gian khổ và luôn tìm tòi, học hỏi đã giúp nông dân Lò Văn Miên xây dựng thành công trang trại trồng cam và nuôi con đặc sản quy mô lớn. Điều đặc biệt là trang trại được quy hoạch rất bài bản. Khu vực đầu nguồn nước được ông ưu tiên làm ao cá và lấy nước tưới cho vườn cây ăn quả, dưới tán cây, ông nuôi hàng nghìn con gà đen đặc sản. 

Cách nuôi lợn rừng của ông cũng khác các trang trại khác, ông cho lai con bố là lợn rừng F1, con mẹ là lợn bản. Theo ông Miên thì đây là sự kết hợp “hoàn hảo” giữa 2 dòng lợn, những con lợn rừng F2 được sinh ra mang những gen mạnh của 2 loại, đem lại thịt lợn thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.

Khu nuôi lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông còn mạnh tay đầu tư vài trăm triệu thuê máy làm đường lên trang trại. Từ khi có đường, không phải đem sản phẩm đi xa mà thương lái họ đến tận vườn thu mua. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch trên 20 tấn cá, gần trăm tấn hoa quả”, ông Miên chia sẻ.

Hiện trang trại của ông nuôi 40 con lợn rừng, hơn 600 con gia súc, gia cầm kết hợp với 3.000m2 ao cá. Trung bình mỗi năm ông Miên thu nhập trên 1 tỷ đồng từ trang trại. Trang trại còn tạo công việc thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Làm nghề nông vất vả, để thành công cần phải có sự kiên trì và chịu khó. Bởi thế, với ông Miên, mỗi gốc cây đều mang đến cho ông những kỷ niệm, cây nào bị bệnh gì, ra bói như thế nào, năm nào bị bệnh ra sao, được ông phun thuốc thế nào đều được ông ghi cẩn thận vào cuốn sổ tay đã ngả màu. Theo cách nói mộc mạc của ông Miên thì cây trồng cũng như con người, nếu chăm sóc tốt sẽ cho quả ngọt, ghi thế này để mình nhớ cách chăm sóc, chữa bệnh cho cây như thế nào và nếu lần sau cây có bị bệnh như thế thì dễ chữa.

“Bây giờ cả bản không ai còn bảo tôi là lão khùng nữa mà họ nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Tôi cũng không vì những lời nói, ánh mắt ngày trước mà không giúp đỡ họ, những ai khó khăn về cây giống, vốn, kỹ thuật để đầu tư trang trại đến đây tôi đều giúp”, ông Miên bảo vậy.

Ông Vàng A Cử, Phó Chủ tịch Hội ND Điện Biên nhận định: Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao như ông Lò Văn Miên không chỉ đóng góp cho nền kinh tế địa phương mà còn là những tấm gương cho nông dân trong và ngoài vùng học hỏi. Đó là cách tư duy của nông dân thời đại mới, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư những mô hình kinh tế tạo đột phá, cần được nhân rộng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Hiện trang trại của ông nuôi 40 con lợn rừng, hơn 600 con gia súc, gia cầm kết hợp với 3.000m2 ao cá. Trung bình mỗi năm ông Miên thu nhập trên 1 tỷ đồng từ trang trại. Trang trại còn tạo công việc thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.