Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trồng na trái vụ - giải pháp sáng tạo của nông dân

Hoàng Tính - 07:02 26/12/2021 GMT+7
Những năm gần đây người nông dân ở tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có thêm vụ na thứ 2 (trái vụ) trong năm. Thu hoạch na trái vụ từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, nhiều nông dân đã có thu nhập ổn định.
Ông Ma Văn Lét ở thôn Quán Thành (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) người được biết đến là đi đầu trong trồng na trái vụ của huyện Chi Lăng.

Cách làm hay từ “nỗi khổ”

Ngoài việc được thưởng thức những quả na đặc sản ngọt sắc vào chính vụ tháng 7, tháng 8 âm lịch, trong những năm gần đây, người tiêu dùng các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng… lại được thưởng thức những trái na dai trái vụ trong tháng 10, tháng 11 âm lịch của vùng na đặc sản Lạng Sơn.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ma Văn Lét ở thôn Quán Thành (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) người được biết đến là đi đầu trong trồng na trái vụ của huyện Chi Lăng. Trên trán vẫn đang còn lấm tấm những giọt mồ hôi, bởi vừa đi cắt na trái vụ trở về, ông Lét cho biết: Làm nông nghiệp thì tránh sao khỏi những vất vả, những giọt mồ hôi, nhưng na trái vụ luôn bán được giá cao hơn so với na chính vụ, vì vậy bà con chúng tôi rất phấn khởi lắm, nhiều lúc đi hái na trái vụ quên cả đói, cả mệt.

Khi được hỏi về làm na trái vụ, ông Lét vui vẻ cho biết: Cái duyên đưa tôi đến với việc làm na trái vụ đúng là từ những “nỗi khổ” của người làm na. Trước đây người dân chúng tôi thu hoạch na từ tháng 7 âm lịch. Sau khi cắt na ở trên núi thì chỉ có gánh bằng sức người về chứ chưa có dòng dọc để vận chuyển như bây giờ. Thời tiết tháng 7 lại hay mưa, vì vậy mà đường gánh na từ trên núi xuống rất trơn, người gánh na sợ nhất là trượt gã bởi gánh na là công sức của cả năm trời trông ngóng. Trong quá trình gánh na tôi phải 1 tay giữ gánh na 1 tay thì bám vào các cành na cạnh đường, những cành na bị bám vào rụng hết lá. Bẵng đi 1 thời gian những cành na rụng lá đó lại đâm chồi nẩy lộc và ra hoa kết quả ngay cả vào những tháng cuối năm dù thời tiết có lạnh giá. Vì vậy mà tôi đã nảy sinh suy nghĩ làm na trái vụ.

Việc làm na trái vụ được bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, đối với những mầm ở thân không có quả, bấm đi 2/3 mầm và vặt hết lá. Sau khoảng 1 tháng cắt cành, tuốt lá những cành đó sẽ bắt đầu cho ra lộc và nở hoa. Lúc này cần vặt bớt 1 số hoa để thụ phấn cho các hoa còn lại… sau đó phải bón phân bổ sung, để cây nuôi quả na chính vụ đồng thời nuôi cả quả na trái vụ. Từ khi được thụ phấn đến lúc thu hoạch na trái vụ thường từ 95 đến 110 ngày.

Nhờ cách làm đặc biệt này mà từ năm 2012 đến nay, mỗi năm vườn na 800 cây của gia đình ông Lét luôn cho thu hoạch ổn định 2 vụ. Sản lượng 2 vụ không chênh nhau là mấy, nếu như chính vụ được 8 tấn thì trái vụ được 6 tấn. Nhưng giá bán hoàn toàn khác, na chính vụ thường bán được 20.000-25.000 đồng/1kg thì na trái vụ lại bán được 40.000-50.000 đồng/1kg. Mỗi năm từ cây na, gia đình ông Lét đã có thu nhập 400-500 triệu đồng.

Với giá thành cao lại dễ bán, nhiều người nông dân ở Lạng Sơn đang tích cực phát triển làm na trái vụ.

Thu nhập khá từ na trái vụ

Với hiệu quả kinh tế của na trái vụ những năm trở lại đây, bà con nông dân trồng na không chỉ ở huyện Chi Lăng mà cả huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) cũng đã chủ động học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào vườn na nhà.

Gia đình chị Nông Thị Trang - Thôn Đồng Ngầu (xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng) cũng đã sớm áp dụng phương pháp làm na trái vụ vào canh tác. Chị Trang cho biết: Năm 2021 gia đình đang chăm sóc 1.000 cây na trái vụ, năm nay thời tiết khá thuận lợi, vì vậy mà na cho quả to, thịt dày, ít hạt, ăn ngọt sắc… Trung bình mỗi cây na trái vụ cho năng suất từ 15-20kg. Nếu như giá bán ổn định 45.000-50.000/kg từ nay đến hết mùa thì gia đình cũng có thu nhập khá.

Không chỉ có gia đình chị Trang mà đã có rất nhiều gia đình ở xã Cai Kinh áp dụng trồng na trái vụ, hiện nay tổng diện tích đã lên đến trên 40ha. Na trái vụ tập trung chủ yếu ở các thôn: Đồng Ngầu, Làng Dãn, Ba Nàng, Hồng Châu...

Theo kinh nghiệm của các nhà vườn ở xã Cai Kinh, làm na trái vụ không đòi hỏi yêu cầu, kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên yếu tố chính là thời điểm thụ phấn và thời tiết thuận lợi sẽ cho năng suất cao, chất lượng quả tốt.

Một điều khá đặc biệt trong cách làm na trái vụ ở Lạng Sơn đó chính là toàn bộ quả na đều được người dân bọc bằng túi ni lông, để tránh côn trùng đốt và tránh sương muối gây hỏng quả. Vì vậy mà na trái vụ luôn đạt 100% về chất lượng và sản lượng, không phải bỏ đi quả nào khi thu hoạch.

Là người thu mua na trái vụ của bà con trong huyện Hữu Lũng để đem đi tiêu thụ, chị Hoàng Thị Mai - xã Đồng Tân (huyện Hữu Lũng) cho biết: Mỗi ngày, ngoài việc bán cho khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng thì tôi cũng mang na trái vụ trực tiếp xuống Chợ Mía (ở xã Tân Mỹ, Thành phố Bắc Giang) để bán. Na trái vụ ở Hữu Lũng “có tiếng” là chất lượng vì vậy luôn được khách hàng ưa chuộng, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. 

Ông Lương Viết Bính - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Việc làm na trái vụ của người dân huyện Hữu Lũng đã có khoảng 10 năm nay. Ban đầu từ một số hộ dân ở xã Cai Kinh, đến nay, toàn huyện đã có trên 100ha làm na trái vụ tập chung ở các xã: Cai Kinh, Yên Sơn, Đồng Tân, Yên Vượng… Với phương pháp sản xuất na trái vụ, bà con nông dân đã kéo dài và dãn cách được thời gian thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm na trái vụ ở Lạng Sơn đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Vì vậy trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn cũng cần đẩy mạnh thêm việc liên kết với các địa phương, doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… nhằm tìm đầu ra ổn định cho na trái vụ, để bà con yên tâm mở rộng diện tích, làm giàu từ cây na. 

Sự khác biệt giữa na chính vụ và na trái vụ, đó là quả na trái vụ được ra từ thân cây còn là chính vụ được ra từ ngọn và cành. Trung bình mỗi cây na trái vụ cho năng suất từ 15-20kg. Giá bán từ 45.000-50.000 đồng/kg cao gấp 2 lần so với na chính vụ.