Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Từ nông dân nghèo vươn lên thành tỷ phú

16:33 13/05/2020 GMT+7
Từ tay trắng chị Vi Thị Thanh đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Chọn hướng phát triển từ nông nghiệp, với nỗ lực đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường… mỗi năm chị đã thu lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng. Đa dạng hóa

Từ tay trắng chị Vi Thị Thanh đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Chọn hướng phát triển từ nông nghiệp, với nỗ lực đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường… mỗi năm chị đã thu lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng.

Nông dân đồng bào dân tộc Thái, Vi Thị Thanh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Rời quê hương Thanh Hóa từ năm 2007 đến thôn Bon R’Sông, xã Đăk R’Măng (huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, gia đình chị Vi Thị Thanh (đồng bào dân tộc Thái) gặp muôn vàn khó khăn khi chưa có kinh nghiệm trồng trọt trên Tây Nguyên. Không có vốn liếng nên chỉ biết gắn bó với cây sắn, hoa màu ngắn ngày và làm thuê kiếm sống.

Theo chị Vi Thị Thanh, những năm đầu khi vừa đến thôn Bon R’Sông, xã Đăk R’Măng, huyện Đăk Glong lập nghiệp, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn khi vừa thiếu đất sản xuất, chưa nắm rõ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên chỉ biết trồng sắn, làm rẫy thuê cho người khác. Nhà cửa tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, gia đình chị đối mặt với tình cảnh thiếu ăn trong mùa giáp hạt.

Nhờ ý chí phấn đấu khắc phục khó khăn, chăm chỉ lao động để vượt qua nghèo khó, chị Vi Thị Thanh đã tích góp mua 04ha đất tại thôn Bon R’Sông và vận dụng kiến thức được trang bị khi tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt các khâu sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm an toàn áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi.

Với phương châm thúc đẩy sản xuất theo hướng “đa cây, đa con”, “lấy ngắn nuôi dài” nhằm tránh quá phụ thuộc vào giá cả thị trường, gia đình chị Thanh đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất 1,5ha cà phê, 01ha tiêu, 01ha bơ cùng một số cây trồng ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, tận dụng đất nương rẫy vẫn còn rộng, từ năm 2017, chị Vi Thị Thanh đầu tư xây dựng trang trại rộng 300m2 vừa nuôi gà thịt, vừa nuôi gà đẻ trứng cung ứng cho thị trường.

“Khi gia đình tôi nuôi gà thịt đã chú trọng vào giống gà lai chọi và gà Quý Phi nhằm đảm bảo chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá cao. Còn nuôi gà đẻ trứng thì gia đình tôi lựa chọn giống gà Ai Cập vì giống gà đẻ đều, trứng rất ngon, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Suốt những năm qua, mỗi năm trang trại chăn nuôi gà mang lại cho gia đình tôi một nguồn thu nhập ổn định từ 800-900 triệu đồng”, chị Vi Thị Thanh hồ hởi cho biết.

Ngoài các cây trồng chủ lực, gia đình chị Vi Thị Thanh còn trồng cây hồ tiêu nhằm cung ứng cho thị trường.

Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật

Cần cù lao động, nhờ tích góp tiền để mua đất canh tác và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đồng thời mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, phát triển kinh tế, gia đình chị đã vươn lên làm giàu.

Nhiều năm qua, rẫy cà phê rộng 1,5ha của gia đình chị Vi Thị Thanh luôn đạt năng suất cao, ổn định ở mức 4 – 4,5 tấn/ha, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập từ 200-250 triệu đồng, sau khi đã khấu trừ chi phí. Bên cạnh đó, rẫy tiêu rộng 01ha được gia đình chị áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về chế độ phân bón, các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh nên luôn phát triển xanh tốt và mang lại nguồn thu nhập từ 200-320 triệu đồng/năm.

Rẫy cà phê rộng 1,5ha của hộ nông dân Vi Thị Thanh, thôn Bon R’Sông, xã Đăk R’Măng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông luôn đạt năng suất cao.

Chị Vi Thị Thanh cho biết: “Thời gian gần đây do giá tiêu liên tục xuống thấp đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trồng tiêu. Vì vậy, để chủ động trước diễn biến khó lường của thị trường, ngoài các loại cây trồng chủ lực thích hợp với đất đỏ bazan trên Tây Nguyên như tiêu, cà phê, các hộ nông dân cũng cần đa dạng hóa cây trồng trên nương rẫy, vừa trồng trọt, kết hợp với chăn nuôi theo hướng “đa cây, đa con”, “lấy ngắn nuôi dài”… Từ năm 2014, gia đình tôi cũng xác định hướng đi này nên ngoài cà phê, tiêu, xây dựng trang trại nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, xuất phát từ như cầu thị trường với tiềm năng, lợi thế tại địa phương, tôi cũng quyết định trồng hơn 01ha bơ (giống bơ Booth – một loại giống bơ mới của Mỹ). Vào mỗi vụ thu hoạch, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn thành phẩm với giá bán thường giao động từ 35 – 40 nghìn đồng/kg”.

Nhờ cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, những diện tích cây trồng, trang trại chăn nuôi mang lại cho gia đình Vi Thị Thanh mỗi năm hơn 1,2 tỷ đồng sau khi đã khấu trừ tất cả các chi phí đầu tư.

Từ gia đình một hộ dân nghèo, gia đình chị Thanh không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Trong 3 năm từ năm 2016 đến năm 2018, gia đình chị Vi Thị Thanh đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Năm 2019, Vi Thị Thanh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Nhờ cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, những diện tích cây trồng, trang trại chăn nuôi mang lại cho gia đình Vi Thị Thanh mỗi năm hơn 1,2 tỷ đồng sau khi đã khấu trừ tất cả các chi phí đầu tư.

Thanh Luận