Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Văn Chấn định hướng phát triển cây đặc sản măng sặt

Phạm Hằng - 07:05 14/04/2022 GMT+7
Mùa măng sặt bắt đầu có từ sau Tết Nguyên đán. Khi trời vẫn còn những cơn mưa Xuân, đất ẩm cũng là lúc các ngọn măng đua nhau nhú lên khỏi mặt đất, rồi gối nhau từ Xuân sang Hè. Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.

Măng sặt trở thành loại cây quan trọng giúp bà con dân tộc thiểu số ở Văn Chấn từng bước xóa nghèo. Ảnh Minh Huyền

Thu từ 50 - 60 triệu/ha/năm từ măng sặt

Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Măng sặt là chồi non của cây sặt đã được con người thu hái và sử dụng làm rau phổ biến trong cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) và một số huyện của tỉnh Lào Cai, Sơn La...

Măng sặt có vị ngọt và mềm, dễ chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú, thân màu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Măng sặt có thể chế biến nhiều món ăn như: luộc chấm mẻ, om sườn, xào, nướng trên bếp lửa ngọt thơm lạ kỳ, nướng đến đâu, bóc vỏ cháy sém, ăn nóng với chẩm chéo (món chấm của dân tộc Thái) thật ngon và lạ miệng.

Măng sặt bóc vỏ thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên, có thể chế biến nhiều món ăn ngon từ măng sặt.

Vào mùa măng, khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao, từ miền núi đến đồng bằng đều bán loại măng này. Trước đây, măng sặt không có nhiều do mọc tự nhiên không có sự chăm sóc. Nhưng khi nhận thấy nhu cầu ẩm thực của người dân và nhiều du khách ở các nơi khác đến với các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái rất ưa thích món măng sặt thì người Dao, Thái đã biết quy hoạch những vùng có măng trên các khu rừng già thành vùng riêng, được chăm sóc nên măng cũng phát triển tốt hơn, mập hơn và ngon hơn.

Hiện nay, với diện tích sặt đang cho khai thác măng tại 5 xã An Lương, Suối Quyền, Nâm Lành, Nghĩa Sơn và Suối Bu của huyện Văn Chấn (Yên Bái) là 150 ha, măng sặt đóng góp quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội cũng như môi trường sinh thái của người dân nơi đây. Hàng năm, người dân (lực lượng chính là phụ nữ người dân tộc Dao, Mông, Thái, Khơ Mú) tập trung vào rừng thu hái măng sặt tươi để ăn và tiêu thụ sản phẩm.

Với sản lượng đạt khoảng 3,0 tấn/ha, giá bán thời điểm đầu mùa lên tới 50.000 - 65.000 đồng/kg. Tới giữa, chính vụ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu từ 50 - 60 triệu/ha/năm, thu nhập hàng năm ước đạt 6,75 - 9,00 tỷ đồng, bình quân đạt 18,23 triệu/hộ/năm.

Xây dựng vùng nguyên liệu măng sặt tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá

Nhận thấy đây là một loại cây cho giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm măng sặt là rất lớn cả trong và ngoài tỉnh, UBND huyện Văn Chấn đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu măng sặt giai đoạn 2021-2025, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu trồng măng sặt của người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và giảm tác động của người dân vào rừng tự nhiên, đồng thời xây dựng được vùng nguyên liệu sản phẩm có chất lượng cao, ổn định lâu dài, hướng tới chuẩn hóa theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 100 ha trồng mới, 273 hộ gia đình tham gia tại 11 thôn, bản thuộc 05 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện.

Măng sặt, loại măng đặc sản nổi tiếng của tỉnh Yên Bái.

Mục tiêu chung đề ra là: Xây dựng vùng nguyên liệu măng sặt tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, phấn đấu đến năm 2025, có vùng nguyên liệu măng sặt tập trung trên 250 ha, trên cơ sở phát huy truyền thống đã có của đồng bào dân tộc Dao, Mông, Thái, Khơmú... góp phần xây dựng nông thôn mới và phát huy chương trình mỗi xã một sản phẩm, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hộ gia đình ông Hoàng Tòn Lai, thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn là một trong những hộ nhiều diện tích măng sặt nhất trong xã Nậm Lành. Ông Lai cho biết: “Trên thực tế, măng sặt là loại cây lâm sản rất dễ trồng, việc chăm sóc không đáng kể, không cần đầu tư nhiều, hơn nữa lại là loại cây tự nhiên, gần như không bị sâu bệnh hại, măng thì dùng làm thực phẩm, thân cây dùng để làm hàng rào, cây cảnh, vật liệu đan, chế biến đồ thủ công mỹ nghệ. Cây trồng sau khoảng 2-3 năm bắt đầu cho măng. Từ tháng 1-3 âm lịch, khi cây măng sặt nhú lên khỏi mặt đất 10-15cm, bà con lại lên rừng thu hoạch mầm măng bằng cuốc, thuổng; càng đào thường xuyên, măng càng lên mạnh. Nếu trồng có bón phân và chăm sóc tốt cây sẽ cho măng sớm, ra nhiều và to hơn”.

Cứ thế, mùa măng gối nhau gần gũi và gắn bó mật thiết với đời sống và văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Dù cuộc sống có đổi thay, nhưng bữa cơm với măng sặt rừng vẫn khó thay đổi trong thói quen ẩm thực của người dân Tây Bắc. Hy vọng rằng với việc phát triển, mở rộng liên kết theo chuỗi các sản phẩm nông, lâm nghiệp địa phương, măng sặt sẽ được mở rộng diện tích, là món quà quý của núi rừng mà tạo hóa ban tặng cho đất và người dân vùng cao Yên Bái.