Ngày xuân đi trên những nẻo đường miền núi phía Bắc, không cần chú tâm lắm cũng thấy những dãy cờ hội lấp ló, như những “bảng hiệu”… ở đây có lễ hội. Nếu không vội, nếu có cái hứng khám phá để sà vào, rất nhanh thôi chính mình cũng sẽ thành một bộ phận của cái lễ hội ấy. “Đồng hồ” bị vặn lại theo lịch lễ hội, không gian bị đảo lộn, vũ trụ có “rốn” ở sân trò. Và con người, không nhăn nhó, không buồn bã, không ốm đau, chỉ có niềm vui, chỉ có nụ cười…

Vui gì hơn hội xuân bản làng

Từng có mặt tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vào ngày cuối cùng trong kỳ hội xuân Gầu Tào của người Mông (ngày mùng 6 Tết) mà mấy quả đồi vẫn chật kín người. Thỉnh thoảng cả đám đông lại ré lên, xao động khi trai gái yêu nhau kéo nhau về thành đôi lứa. Tục người Mông là thế, con gái hãnh diện khi về làm dâu bằng… kéo giữa chợ phiên và nhất là được kéo trong ngày hội. Cả cộng đồng nhìn vào, chứng kiến cho tình yêu mãnh liệt của người con trai đối với người con gái. Cả rừng núi rạo rực, có cảm giác Xuân đang về theo tiếng hò reo của con người. Một gia đình mới ra đời trong niềm vui vỡ òa của cộng đồng. Mình đi xem, dẫu không có niềm vui của “người trong cuộc” vẫn thấy phấn chấn lạ thường, như được tiêm một liều “hóc môn vui vẻ”. Tự nhiên thấy đất đang cựa mình, cây cối đang đâm trồi nảy lộc.

Thần Kim quy nổi lên mặt hồ báo hiệu một năm mới tốt lành (lễ hội chợ Đình, làng Bích La, Triệu Phong, Quảng Trị)

Chiều 7 Tết năm rồi tôi có mặt ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, hội chính của làng đã diễn ra từ hôm trước. Cái hội chính “vỡ ra” thành cả chục hội nhỏ ở từng góc bản. Trai gái rủ nhau xúm vào chơi kéo co, tó má lẹ, bịt mắt bắt dê. Những bà, những mệ… xắn váy, lăn xả vào cuộc kéo co với cánh đàn ông, cả chục lần thua rồi cũng có lần họ thắng để ngặt nghẽo cười chế diễu cái “sức vóc đàn ông”.

Tôi và người bạn “được” kéo vào, ấn cho sợi dây vào tay để kéo co với hai chị phụ nữ. Chưa kịp định thần thì đã bị hai chị kéo lăn bo lo ra đất. Tự nhiên tôi thành “một góc đích thực” của ngày hội, ngặt nghẽo cười như tất cả mọi người. Không ai hỏi mình là ai, ở đâu đến nhưng đã có đến mấy chục lời mời: “Về nhà uống rượu thăm”. Cả lời mời của mấy chị… “tí đi tắm suối nước nóng”… tắm tiên thật chứ không phải tiên giả vờ. Mờ tối đi tắm suối với… mấy chị thật, cả trăm người xôn xao cái mó nước, trai gái cách nhau một cái hàng rào thấp, vừa tắm vừa té nước trêu nhau. Mọi mệt nhọc của cả một ngày ngồi trên xe máy bỗng tan đi, để đêm mụ mị trong chén “rượu thăm” bên bếp lửa nhà sàn. Và đêm xuân, đúng là xuân thật, nhẹ lâng lâng trong người…

“Của cải nào cũng không quí bằng người khách”

“Tháng 2, hoa gạo nở, Gạ Ma Thú” – người Hà Nhì nào cũng biết câu ấy. Lễ Gạ Ma Thú là ngày lễ cúng rừng, lễ hội lớn nhất của người Hà Nhì. Gạ Ma Thú có cái đặc biệt là “cấm bản”… nội bất xuất, ai vào bản trong những ngày đó sẽ bị “giữ” lại hết 3 ngày hội mới được “thả”.

Cách đây mấy năm, tôi từng “bị giữ” ở bản Ló Mé, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cả nhóm chúng tôi “bị giải” về nhà trưởng thôn trong ánh mắt… háo hức của mọi người.

Ông trưởng thôn “ngắm nghía” thật kỹ từng người rồi “chia” chúng tôi cho các nhà. Hơi lạ là, ngài ngại nhưng có lẽ sửng sốt nhất là cách đón khách. Vị chủ nhà được chỉ định đón khách về reo lên đúng như “trẻ được quà”, chạy lên nắm tay khách, rồi từ trong đám đông bên ngoài thêm mấy người nữa là vợ, con ùa vào để đón “món quà” ấy về nhà mình. Về đến nhà người đỡ túi, người kéo ghế, chị chủ nhà bưng chậu nước nóng đặt xuống chân khách mời rửa mặt, chân tay. Cái chậu nước nóng ấy sáng hôm sau khi tôi dậy lại có ngay ở đầu giường. Bữa ăn chị chủ nhà đứng sau lưng khách tiếp thức ăn, rót rượu, mỗi miếng mình ăn, đọc thấy rõ sự hoan hỉ trên nét mặt của chủ nhà.

Ngôi nhà tôi ở có đôi hoành phi treo trên bàn thờ, hỏi nghĩa của câu anh chủ nhà nói đại thể: “Của cải nào cũng không quí bằng người khách”. Anh giải thích thêm: Khách đến lúc nào cũng quí, nhưng được đón khách trong ngày hội làng là đón “lộc” về nhà, may mắn cả năm. Kết thúc ba ngày lễ hội, chúng tôi được “giải phóng”, cả gia đình tiễn chúng tôi ra tận đầu bản, gặp ai cũng được chào, qua nhà ai cũng thấy người chạy ra vẫy tiễn, bằng những nụ cười đôn hậu, những lời chia tay đầy luyến lưu.