Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Xanh hóa” tăng trưởng: Sản xuất xanh để vươn ra thị trường thế giới

16:06 19/11/2021 GMT+7
Sản xuất sạch, xanh là cách mà các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam gây dựng uy tín, thương hiệu nhanh nhất đối với thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Với yêu cầu tiêu dùng của các thị trường khó tính hiện nay, sản xuất xanh, sạch, an toàn cho môi trường là tiêu chí đầu tiên để các doanh nghiệp nhập khẩu tiến đến đàm phán hợp đồng tiêu thụ đối với những đơn vị này của Việt Nam.

Chính vì vậy, sản xuất xanh, sạch, khép kín, tuần hoàn trở thành một trong những kiểu mẫu sản xuất được nhà nhập khẩu chú ý đến nhiều hơn.

Vườn thanh long 6.000m2 ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Vĩnh tại ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, Long An mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Sạch từ cây chuối đến… con bò

Với cách sản xuất sạch liên hoàn, khép kín theo tiêu chuẩn thấp nhất là VietGAP, từ cây ăn trái như chuối, bưởi, sầu riêng đến chăn nuôi bò Australia, bò Nhật, con tôm…, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An, đã phát triển trang trại ngày càng chất lượng, lớn mạnh, trở thành đối tác quan trọng để nhập khẩu chuối Fohla của thị trường Nhật Bản.

Chia sẻ phương pháp sản xuất xanh và khép kín này, ông Võ Quan Huy cho biết thị trường Nhật Bản là thị trường rất khó tính, chú trọng đến từng tiêu chí sản xuất thực phẩm.

Trước khi đặt quan hệ hợp tác tiêu thụ, khách hàng Nhật Bản sẽ đến tham quan nơi sản xuất, tìm hiểu từng trang trại, kiểm tra vỏ, bao bì vật tư được sử dụng, từ đó đối chiếu với nhật ký sản xuất của trang trại, nếu trùng khớp thì mới tin tưởng đàm phán hợp đồng liên kết tiêu thụ.

Trang trại chuối của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An khoảng 200ha tại tỉnh Long An và Tây Ninh, được ông Huy bắt đầu triển khai từ năm 2014, đến năm 2016 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.

Theo ông Huy, hằng năm, các nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhập khẩu chuối với một lượng rất lớn giá trị từ 15 đến 17 tỷ USD; trong đó, thị trường Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,2 triệu tấn chuối, sau đó là thị trường Hàn Quốc khoảng 1 triệu tấn, thị trường Trung Quốc hơn 1 triệu tấn.

Để trái chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Võ Quan Huy phải tuân thủ quy tắc sản xuất theo hơn 140 tiêu chí an toàn thực phẩm do thị trường Nhật Bản đề ra. Trong số đó, bao gồm các hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày, vật tư sản xuất chỉ có những hoạt chất được Nhật Bản cho phép sử dụng.

Với mỗi lô hàng được chuyển sang thị trường Nhật Bản, đều được đội ngũ nhân viên kiểm tra, sàng lọc các tạp chất, độ đồng đều, cũng như chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Để trái chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Võ Quan Huy phải tuân thủ quy tắc sản xuất theo hơn 140 tiêu chí an toàn thực phẩm.

Không dừng lại ở đó, ông Huy kết hợp sản xuất chăn nuôi bò thịt giống Úc tại các trang trại, với đệm lót sinh học từ mụn dừa và chế phẩm vi sinh xử lý phân bò trực tiếp tại chuồng, tạo không gian xanh sạch cho môi trường sống của bò thịt.

Cũng từ cách làm này, nguồn chất thải từ con bò thịt trở thành nguồn phân vi sinh với khối lượng lên hàng chục nghìn tấn, quay sang phục vụ cho vườn chuối của ông Võ Quan Huy.

Tuy nhiên, sản xuất theo tiêu chí của nhà nhập khẩu không khó tính không có nghĩa là sẽ bán được giá cao như người sản xuất mong muốn. Người Nhật yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn nhưng giá cả có thể không cao hơn siêu thị Việt Nam, mà giá chuối còn phụ thuộc vào từng thời điểm nguồn hàng cạnh tranh nhiều hay ít.

Thêm vào đó, để có thể làm thành chuỗi sản xuất sạch, khép kín, liên hoàn, doanh nghiệp cần một nguồn kinh phí không nhỏ để tái đầu tư khi một trong những sản phẩm của trang trại chưa xoay vòng được.

Đặc biệt là giai đoạn khó khăn như giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua, gây ách tắc trong vận chuyển hàng hóa ra cảng.

Vì vậy, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp để tái sản xuất khi hàng hóa còn ứ đọng tạm thời.

Bên cạnh đó, việc sản xuất xanh hiện nay không chỉ đáp ứng cho các thị trường khó tính. Bất kỳ một thị trường nào cũng là thị trường tiềm năng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Sản xuất xanh, sạch là tấm vé ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, là “hạt gạo trên sàng” trong lựa chọn của người tiêu dùng.

Con tôm "ôm" cây lúa

Theo các chuyên gia kinh tế, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

Có thể nói, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước và cung cấp nguồn nguyên liệu thủy sản, trái cây cho chế biến và xuất khẩu hàng đầu của cả nước như tôm, cá tra, xoài, thanh long, bưởi…

Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế, thị trường nhập khẩu đòi hỏi cao và khắt khe quy trình sản xuất của Việt Nam; trong đó, yếu tố an toàn môi trường và an toàn thực phẩm được quan tâm chú trọng.

Nắm rõ điều này, nhiều đơn vị sản xuất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi hướng sản xuất sang an toàn bền vững. Trong số đó phải kể đến Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa-tôm Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Thu hoạch lúa trong mô hình lúa-tôm ở hộ ông Nguyễn Văn Nhàn, xã Phú Tân, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã Trí Lực, hợp tác xã có 750ha sản xuất lúa tôm hữu cơ, an toàn. Tại đây, các thành viên hợp tác xã sản xuất theo quy trình sạch, để đảm bảo cho tôm phát triển tốt.

Trong sản xuất lúa, nông dân không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, đảm bảo cho cây lúa được phát triển một cách tự nhiên nhất, vừa đảm bảo không có hóa chất tồn dư trong đất, sẽ ảnh hưởng đến con tôm.

Còn trong vụ nuôi tôm, những vi sinh vật có trong ruộng lúa, cùng rơm, rạ phân hủy trở thành phù du, làm thức ăn cho con tôm phát triển, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp.

Với mật độ thả thưa, môi trường sạch, con tôm phát triển khỏe mạnh, môi trường sau thu hoạch tôm cũng an toàn cho cây lúa vụ sau. Cách sản xuất này đã tạo nguồn nên gạo sạch, chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Hằng năm, Hợp tác xã Trí Lực cung ứng cho thị trường từ 5 đến 10 tấn gạo, với giá bán khá cao từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Hợp tác xã cũng được đoàn công tác của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF VN) đến khảo sát và có thể lựa chọn 50ha để thử nghiệm mô hình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật xây dựng chuỗi tôm-lúa bền vững, nâng cao giá trị của con tôm, cây lúa.

Sản xuất sạch, xanh là cách mà các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam gây dựng uy tín, thương hiệu nhanh nhất đối với người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là với những người tiêu dùng khó tính, quan tâm sâu sắc đến an toàn môi trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Với cách làm này, Việt Nam khẳng định vị thế của mình, cũng chính là nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm về chất lượng, tính minh bạch, an toàn, thân thiện môi trường./.
 

Theo Vietnam +

Bình Thuận: Phát triển nông nghiệp sạch, thích ứng biến đổi khí hậu
Phải chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, chú trọng an toàn sinh thái, ngành Nông nghiệp huyện Tuy Phong, tỉnh Ninh Thuận vẫn có những bước tiến vững vàng.