Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyện lạ làng cầu Việt: Xin… giải thể Liên đoàn!

01:40 28/10/2018 GMT+7

Mặc cho cơn mưa tiền đổ xuống sân cỏ Việt thời lên chuyên đã dịu, thì bóng đá đỉnh cao vẫn có là thứ hàng hot, nếu nhìn vào sự tác động của trái bóng tròn lên đời sống xã hội những năm qua. Vậy nên, chuyện Liên đoàn bóng đá Hà Nội, 1 trong những thành viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam bất ngờ xin giải thể Ban chấp hành, thực sự gây sốc!

14 năm “ngủ Đông”…

18 năm lên chuyên, trong lúc bóng đá phía Nam chững lại bởi chuyện cơm áo, gạo tiền, thì phía Bắc mà đặc biệt là bóng đá Hà Nội nổi lên để tìm lại ánh hào quang xưa. Đội bóng của bầu Hiển, Hà Nội FC vừa lập kỳ tích với chức vô địch V-League lần thứ 4. Viettel cũng đã trở lại giải đấu cao nhất sau 9 năm vắng bóng và dự kiến sẽ khoác lên mình chiếc áo Thể Công danh tiếng… Sân Hàng Đẫy mỗi chiều cuối tuần đã trở lại đông vui hơn với bầu không khí bóng đá bao trùm…

Vậy mà chẳng ai ngờ, từng ấy năm, đằng sau sự sôi động của sân cỏ và khán đài, bóng đá Hà Nội hoạt động mà không hể có tính pháp lý.

Cụ thể, trong tuần qua, thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết, Sở này đã nhận công văn của ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hà Nội, hiện là Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương xin giải thể Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội nhiệm kỳ 1 (2002-2006) và trả lại con dấu.

Trong công văn, ông Nguyễn Quốc Triệu cho biết đã chuyển công tác từ năm 2004, ủy quyền điều hành công việc lại cho các lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên từ đó tới nay, Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội không hoạt động, khi hết nhiệm kỳ không tổ chức Đại hội.

Trước sự việc trên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội xem xét đề nghị giải thể Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội nhiệm kỳ 1 (2002-2006), đồng thời tổ chức Đại hội bầu Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội nhiệm kỳ mới theo đúng quy định.

Cũng cần phải nói thêm ở đây, Liên đoàn bóng đá Hà Nội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự trang tải về kinh phí hoạt động, chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Thể dục thể thao Hà Nội (cũ) và các Sở, ban, ngành có liên quan. Liên đoàn bóng đá Hà Nội hiện cũng đang là thành viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

… Nhưng vẫn hoạt động chui?

Theo công văn của ông Nguyễn Quốc Triệu và xác nhận của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội thì từ năm 2004 tới nay, Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội không hoạt động, khi hết nhiệm kỳ không tổ chức Đại hội. Như vậy, về luật thì cái Liên đoàn này cũng không tồn tại bởi Theo Khoản 1, Điều 29, Nghị định 45/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định, hội sẽ bị giải thể nếu không hoạt động liên tục trong 12 tháng. Khoản 1, Điều 26 Nghị định này cũng quy định, hội tự giải thể khi hết thời hạn hoạt động.

Nếu chỉ tính nhiệm kỳ I thôi, thì cũng đã kết thúc cách đây đến… 12 năm! Vậy Liên đoàn bóng đá Hà Nội có còn tồn tại và hoạt động không? Câu trả lời khá thú vị là – Có, bất chấp việc chẳng còn chính danh.

Bằng chứng là tại các kỳ Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam mà Liên đoàn bóng đá Hà Nội là thành viên các nhiệm kỳ V (2005 – 2009); VI (2009 – 2013); VII (2014 – 2018), đại diện của bóng đá Thủ đô vẫn tham gia bầu bán, thậm chí là có cả trong thành phần Ban chấp hành. Hay gần nhất, chuẩn bị Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa VII dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới đây, Liên đoàn bóng đá Hà Nội vẫn tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu nhân sự, trực tiếp bầu cử!

Thay cho lời kết

Chuyện các liên đoàn, hiệp hội xã hội nghề nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động là không thể phủ nhận, nhưng chuyện không chính danh và hoạt động “chui” là không thể chấp nhận, đặc biệt khi chính người trong cuộc… đều biết và… đều lờ đi!?

Từ trường hợp của Liên đoàn bóng đá Hà Nội câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu Liên đoàn bóng đá địa phương khác cũng như thế? Và với 1 thành viên cá nhân không hoạt động, không chính danh, liệu Liên đoàn bóng đá Việt Nam có tổ chức được Đại hội đại biểu?

Hỏi mà khó để trả lời.

Ngọc Minh