Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khát vọng chế biến các sản phẩm từ nho của ông Ba Mọi

13:27 11/04/2021 GMT+7

Trái nho Ba Mọi đã nổi tiếng khắp cả nước, nhưng sản phẩm Rượu vang Ba Mọi vẫn còn lạ lẫm trên thị trường Việt Nam. Bởi lẽ sản lượng quá ít, lại bị chìm lẫn giữa một rừng thương hiệu rượu vang ngoại tràn ngập trên thị trường. Đây cũng là điều trăn trở của lão nông Ba Mọi (xã Phước Thuận, Ninh Phước, Ninh Thuận) trong nỗ lực nâng tầm giá trị của trái nho đặc sản.

Ông Ba Mọi vẫn hàng ngày chăm, tỉa từng chùm nho.

Nho VietGAP “lên hương”

Từ hơn hai chục năm nay, Ninh Thuận đã nổi tiếng là vùng đất của nho. Nhưng khi nói về nho của vùng đất “nắng như Phan, gió như Rang”, nổi tiếng nhất, trứ danh nhất chính là Trang trại nho Ba Mọi. Từ Trung tâm thành phố Phan Rang đi khoảng 7km tới cầu Móng qua sông Cái là đã nhìn thấy trang trại Ba Mọi trải dài xanh mướt, thuộc thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước).

Ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi), chủ trang trại, năm nay 74 tuổi, là một trong những người đi tiên phong trồng nho ngay trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông cho biết, cách đây gần bốn mươi năm, nho là cây trồng mới, môi trường không ô nhiễm nhiều nên chưa có sâu bệnh. Ban đầu, ông trồng giống nho đen Repe trên diện tích 500m2. Sau này có giống nho đỏ Red Cardinal, ông đem về trồng. Ngày nay, Trang trại nho Ba Mọi mở rộng quy mô diện tích 2ha, trồng 13 loại nho khác nhau.

Theo ông Ba Mọi, trồng nho khó hơn những cây trồng khác, dễ bị sâu bệnh, nên có những thời gian, dân quanh đây ồ ạt trồng nho, sau đó lại chặt bỏ cây nho. Năm 2000, trong khi nhiều người từ bỏ nho chuyển sang trồng táo hoặc loại cây khác dễ trồng hơn, thì ông Ba Mọi vẫn kiên trì bám vào nho. Nhờ sự giúp đỡ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, ông áp dụng mô hình dùng phân hữu cơ vi sinh bón trên cây nho đạt kết quả cao.

“Khi đó trong vùng, hầu hết người trồng nho ở Ninh Thuận đều chuyên canh giống nho đỏ truyền thống Red Cardinal. Sau nhiều năm cho thu hoạch tốt thì giống nho này mắc bệnh héo rũ hàng loạt. Đúng lúc đó, tôi nghe tin Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo thành công giống nho xanh NH01- 48, tôi liền đến mua về trồng thử nghiệm. Sau gần một năm “ăn ngủ” tại vườn, vườn nho giống mới đã cho mùa quả chín đầu tiên, với hơn 7 tạ trái sạch. Một kilôgam nho xanh NH01- 48 bán tại vườn lúc đó có giá cao gấp 3 lần giống nho đỏ Red Cardinal” – ông cho biết thêm.

Đến năm 2007, ông Ba Mọi đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân Ba Mọi, đồng thời được Sở NN&PTNT tỉnh hướng dẫn cho vườn nho của ông áp dụng chương trình canh tác VietGAP. Kiên trì tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc theo VietGAP, đến năm 2010 thì trang trại nho của ông được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sạch. Hiện nay sản phẩm Nho Ba Mọi được tiêu thụ tại các đại lý, siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An). Bình quân mỗi tháng, trang trại thu hoạch và tiêu thụ khoảng 60 tấn nho tươi.

“Từ nhiều năm nay, các siêu thị ký hợp đồng mua nho với giá luôn ổn định 60-70 nghìn đồng/kg. Sản lượng thu hoạch của trang trại không đủ để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các siêu thị ở Hà Nội và TP.HCM nên tôi phải đứng ra ký kết hợp đồng với bà con nông dân xung quanh để cung cấp theo đơn đặt hàng với các siêu thị. Năm 2020, tôi được nhận chứng nhận OCOP hạng 4 sao từ UBND tỉnh Ninh Thuận cấp cho sản phẩm nho xanh Ba Mọi”, ông Mọi tự hào nói.

Ông Ba Mọi ước mơ có một hầm rượu vang

Tuy có đến trên 85% sản lượng thu hoạch của trang trại nho là phục vụ ăn tươi, nhưng 15% sản lượng tại vườn Ba Mọi được dùng làm nguyên liệu chế biến ra sản phẩm rượu vang. Cách đây dăm năm, ông ra một quyết định đột phá là dốc hết vốn đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất rượu vang nho từ vườn nhà. Để có nguyên liệu làm rượu vang, ngoài 1,5ha nho trồng ăn tươi, Trang trại nho Ba Mọi dành 0,5ha trồng nho rượu gồm các giống: Syrah (nho rượu đỏ), giống Cabernet Sauvignon (nho rượu trắng) và Sauvignon Blanc (nho rượu trắng).

Nho chín, thu hoạch xong phải trải qua quy trình chế biến có nhiều công đoạn phức tạp, mất thời gian từ 1 đến 1,5 năm mới cho ra chai vang Ba Mọi có dung tích 0,75 lít. Sản phẩm thứ hai là nước ép nho, được tận dụng từ thu tỉa và dành một phần sản lượng từ nho thu hoạch. Mỗi năm, trang trại nho Ba Mọi đã đưa khoảng 3-4 tấn nho vào chế biến nước giải khát với sản lượng 5.000 – 6.000 chai (dung tích 0,5 lít). Gần đây để tăng thêm sản phẩm nho chế biến, ông Ba Mọi đã đầu tư 500 triệu đồng lắp thêm 1 dây chuyền chế biến các sản phẩm nho sấy khô, mứt nho.

Trái nho Ba Mọi đã nổi tiếng khắp cả nước, nhưng sản phẩm rượu vang Ba Mọi vẫn còn lạ lẫm trên thị trường Việt Nam. Bởi lẽ sản lượng quá ít, lại bị chìm lẫn giữa một rừng thương hiệu rượu vang ngoại tràn ngập trên thị trường. “Mặc dù mọi công đoạn sản xuất của tôi đều được cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm rượu vang của tôi vẫn chưa đạt được chất lượng thơm ngon như rượu vang nhập khẩu”, ông Ba Mọi thành thật chia sẻ.

Ông giải thích: Vang Pháp hay Chilê truyền thống, hầu như họ đều ủ trong thùng gỗ sồi từ 3 đến 4 năm. Thời gian ủ càng lâu thì chất lượng càng tốt, đồng nghĩa với giá bán cũng cao hơn. Nếu đầu tư mua một thùng gỗ sồi 200 lít phải tốn 40 triệu mà chỉ dùng được có 4 năm thôi. “Chi phí đắt như vậy thì tôi không thể nào kham nổi, đành phải ủ bằng chum sành rồi chưng cất khi men vẫn còn non, chưa đủ tuổi thì mới đủ sức mà quay vòng. Ủ trong lu sành sứ phải lâu hơn thùng gỗ sồi, làm sao để quá trình tác động với oxy càng chậm thì càng giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm, đạt được sự hài hòa của mùi vị… Tôi đây mới ủ chưa đầy 2 năm mà thấy đã đuối sức rồi”, ông Mọi than thở.

Ông Ba Mọi bày tỏ ước muốn có một hầm rượu vang hoặc lâu đài rượu vang giống như nông dân các nước phát triển Pháp, Úc với dây chuyền sản xuất chế biến khép kín, từ trồng nho, thu hoạch đến chế biến thành phẩm rượu vang mang thương hiệu gia đình. Sở dĩ, điều mơ ước đó chưa thành hiện thực là bởi: “Tôi tính sơ sơ muốn gây dựng được một dây chuyền làm rượu vang tương đối cỡ nhỏ để đảm bảo bao tiêu nguyên liệu cho chừng vài trăm hec ta của địa phương cũng cỡ 100 tỷ. Số tiền đó là quá lớn đối với tôi, đi vay cũng khó, nên đành phải duy trì mô hình trang trại nhỏ, sản xuất nhỏ lấy ngắn nuôi dài như hiện nay thôi”, ông Mọi nói.

Mỗi năm, trang trại nho Ba Mọi đã đưa khoảng 3-4 tấn nho vào chế biến nước giải khát với sản lượng 5.000-6.000 chai (dung tích 0,5 lít). Gần đây để tăng thêm sản phẩm nho chế biến, ông Ba Mọi đã đầu tư 500 triệu đồng lắp thêm 1 dây chuyền chế biến các sản phẩm nho sấy khô, mứt nho.

Bài, ảnh: Chu Khôi