Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu nhờ mô hình “vỗ béo” vọp trong vuông tôm ở Cà Mau

15:54 21/12/2021 GMT+7
Để đa dạng đối tượng nuôi trên cùng một đơn vị diện tích, hướng tới tăng thu nhập, gia đình ông Trần Văn Thiệu (ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã thử nghiệm nuôi vọp trong vuông tôm. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình của gia đình ông đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Gia đình ông Trần Văn Thiệu gắn bó với nghề nuôi tôm tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Mỹ đã nhiều năm. Vào năm 2019, ông được người quen cho mấy ki lô gam vọp để ăn. Nhưng với mong muốn tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, ông đã thả vào vuông tôm nuôi thử nghiệm. Theo dõi thấy vọp phát triển tốt nên đầu năm 2020, ông Thiệu cùng người con trai tìm đến cơ sở vèo vọp ở tỉnh Kiên Giang mua con giống về thả trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Thiệu đi đầu nuôi vọp tại địa phương.

Ông Thiệu chọn loại vọp giống khoảng 30 con/kg. Sau 5 tháng thả nuôi, vọp đạt trọng lượng khoảng 20 con/kg, ông bắt đầu thu tỉa dần dần. Với giá vọp thương phẩm khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg thì mỗi 1 tấn vọp giống gia đình ông Thiện sẽ có lãi hơn 40 triệu đồng.

“Thả con vọp giống rất dễ sống. Cải tạo đất nôi tôm bình thường, chỉ cần nước không thối, môi trường đừng có rong là nó sống được. 1 tấn thả khoảng 1.000 m2, năm sau thả ra chỗ khác rồi sau đó đảo lại nuôi nữa”, ông Trần Văn Thiệu nói.

Lợi thế của mô hình nuôi thêm vọp trong vuông tôm là không tốn công chăm sóc, cũng không cần phải cho ăn nhưng con vọp vẫn phát triển tốt. Trong diện tích 1,5ha đất nuôi tôm của gia đình, ông Thiệu ước mô hình nuôi vọp trung bình mang lại hơn 100 triệu đồng/năm.

Nuôi vọp trong vuông tôm không cần chăm sóc cũng có thu nhập khá cao.

Theo ông Trần Văn Thiệu, thời điểm thả giống vọp thích hợp nhất từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch bởi thời điểm này bà con ít thả nuôi cua. Người dân cũng cần phải lo lắng về việc vọp sẽ bị cua ăn vì tập tính của con vọp sẽ vùi dưới sình.

“Thả con vọp giống còn nhỏ nhưng sau khoảng 1 tuần nó sẽ vùi xuống dưới sình. Tới mấy tháng sau con cua nó mới lớn lên, con vọp khi đó cũng đã trưởng thành rồi, thành ra nó không bị thiệt hại”, ông Thiệu chia sẻ.

Sau khi gia đình ông Thiệu thực hiện thành công mô hình vào năm 2020, nhiều hộ dân địa phương đã học hỏi làm theo. Đến nay, trên địa bàn xã Hưng Mỹ đã có hơn 15 hộ dân đang thực hiện mô hình “vỗ béo” vọp trong vuông tôm. Chính quyền địa phương cũng xác định đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và định hướng nhân rộng trong thời gian tới.

Mô hình nuôi vọp nhà ông Thiện được nhiều hộ dân học hỏi làm theo.

Ông Trịnh Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ cho biết: “Ngoài nuôi tôm cua kết hợp thì chính quyền cũng vận động người dân đa canh, đa con để tăng thu nhập. Đặc biệt, ở ấp Bùng Bình đang có mô hình nuôi thêm vọp trong vuông tôm. Bước đầu có 1 hộ nuôi thí điểm mang lại hiệu quả rất cao, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình. Xã cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho người dân trên địa bàn về cách nuôi, thời vụ xuống giống; cũng tìm đầu ra để hướng đến mở rộng mô hình, đảm bảo nuôi hằng năm”.

Với lợi thế dễ thực hiện, ít tốn công chăm sóc mô hình nuôi vọp xen canh trong vuông nuôi tôm đã giúp nhiều hộ dân xã Hưng Mỹ có thêm nguồn thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình đang mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương./.

Theo VOV

Cách làm giàu của nông dân mùa nước nổi
Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đem lại nguồn lợi to lớn cho người dân nơi đây. Ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp năm nay nước về thấp, nguồn lợi thủy sản giảm, nhưng người dân đã đưa các loại thủy sản như cá linh, tôm, cá lóc vào nuôi trong ruộng lúa đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng.