Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhận Huân chương Lao động hạng Ba từ đam mê, nỗ lực phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh

Hoàng Tính - 08:09 22/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ việc kinh doanh trồng và bán các loại hoa thảm, hoa chậu và cây giống hoa, hội viên nông dân Nguyễn Văn Tuyên ở thôn 1 (Xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đang có doanh thu 60 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động ở địa phương... Đặc biệt, năm 2022 hội viên nông dân Nguyễn Văn Tuyên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Làm giàu với đam mê cây cảnh

Vốn có niềm đam mê, yêu thích với nghề trồng hoa, cây cảnh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Nguyễn Văn Tuyên đã tự mình tìm kiếm những cây sung, cây sanh nhỏ ở địa phương về để trồng và chăm sóc tại vườn nhà.

Anh Nguyễn Văn Tuyên (bên phải) đang chia sẻ về vườn lan lá kiếm đột biến với bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (bên phải)

Học hết lớp 8, anh Tuyên đã nghỉ học và đi làm, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng với hoa, cây cảnh, năm 2003 anh Tuyên đã thực sự bắt đầu “khởi nghiệp” để thực hiện ước mơ và hoài bão của mình, trên diện tích 2 sào ruộng đi thuê và mảnh vườn nhỏ của gia đình.

Nhằm tạo sự khác biệt cho vườn hoa, ban đầu anh Tuyên đã tập trung vào phát triển vườn hoa với cây hoa hồng, anh đã sưu tầm các giống hoa hồng cổ Sapa, hồng Vân Khôi, hồng Hải Phòng… sau đó anh tìm hiểu mua “hoa hồng ngoại” ở Anh, Thái Lan… về để trồng.

Với các phương pháp cắt hom, chiết, giâm cành và đặc biệt là tạo dáng Bonsai cho các cây hoa hồng. Vì vậy anh Tuyên đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu cho vườn hoa hồng của gia đình. Các nhà vườn, biệt thự ở Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội tìm đến đặt mua, có những cây hoa hồng đẹp anh Tuyên đã bán cả trăm triệu đồng.

Cũng trong quá trình phát triển các loại hoa, tìm tòi và cảm nhận thấy “cây hoa lan kiếm đột biến” có tiềm năng để phát triển. Năm 2016 anh Tuyên lại quyết định đầu tư trồng và phát triển loại cây này.

Cây hoa lan kiếm đột biến có lá hình cái kiếm, thời gian hoa nở rải rác kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Vườn lan kiếm đột biết được anh Tuyên bố trí có giàn che nhằm bảo đảm các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho phù hợp với nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây.

Anh Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ: Trong quá trình phát triển cây hoa lan lá kiếm đột biến phải kiểm tra vườn thường xuyên từng cây để nắm bắt được cây trưởng thành và phát hiện các loại bệnh để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Kỹ thuật chăm sóc và nhân giống cây hoa lan lá kiếm đột biến rất quan trọng, người trồng phải có tính kiên trì, tỉ mỉ. Cây rất nhạy cảm với thời tiết nên cần chú ý đến độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng; phải nắm hết đặc tính sinh trưởng, phát triển và hấp thụ dinh dưỡng của cây để chăm sóc, bón phân, trị bệnh trên lan đúng cách.

 Nhờ cần cù, tỉ mỉ, vừa làm, vừa tích cực học hỏi nên chỉ sau một thời gian anh Tuyên đã nắm được các kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây lan kiếm, thực hiện việc nhân giống và tự thiết kế tiểu cảnh với mẫu mã độc đáo, được nhiều khách hàng tìm đến đặt mua.

Năm 2022 hội viên nông dân Nguyễn Văn Tuyên đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba

 Chính vì vậy trong vườn nhà anh Tuyên thường xuyên có từ 200-500 chậu hoa lan kiếm đột biến như: Lan kiếm Phan Chí, lan kiếm xanh Huế, lan kiếm Vị Hoàng.... Chậu hoa lan kiếm đột biến rẻ nhất có giá khoảng 3 triệu đồng, chậu đắt có thời điểm lên đến 500-600 triệu đồng.

Để thuận lợi cho việc chăm sóc và phát triển vườn cây hoa, cây cảnh, anh Tuyên đã chia nhỏ vườn thành 8 khu trồng cây hoa, cây cảnh gồm: Khu ươm cây giống, khu trồng cây theo độ tuổi và khu trồng cây chờ xuất bán để tiện cho việc chăm sóc, xuất bán ra thị trường. Trong đó có nhiều loại hoa, cây cảnh với giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: Hoa hồng, cây cảnh bon sai, cây mộc hương, cây hoa lan lá kiếm đột biến, cây tường vi huyết long mỗi năm nở hoa 5 lần…

Chỉ cho chúng tôi cây bon sai trong vườn đang được định giá 5 tỷ đồng, anh Tuyên cho biết thêm: Một cây bon sai đẹp không đơn giản chỉ cắt tỉa là nó ra dáng mà đòi hỏi người trồng phải có óc thẩm mỹ, tính kiên trì, tỉ mỉ trong quá trình dài. Có những cây phải cắt gần hết cành, chỉ chừa lại một khúc rồi nuôi dưỡng, chờ mầm mới rồi lại nuôi tiếp.

Năng động với thị trường

Không chỉ sản xuất giỏi, đưa nhiều loại cây đặc sắc về trồng và phát triển anh Tuyên còn là một nông dân năng động nhạy bén, có tư duy kinh doanh giỏi. Sau một thời gian trồng hoa, cây cảnh, nhận thấy thị trường tiềm năng lớn, anh đã đến gặp gỡ một số nhà vườn để mua hoa, cây cảnh với số lượng lớn, sau đó bán ra thị trường; đồng thời đầu tư thuê đất ở vị trí trung tâm của chợ hoa Xuân Quan nhằm thuận tiện cho việc giới thiệu, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Anh Tuyên bên cạnh cây cảnh bonsai được định giá cả tỷ đồng

 Ngoài ra để sản phẩm của gia đình được nhiều khách hàng biết đến, anh Tuyên cũng đã tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo... Nhờ vậy, sản phẩm hoa, cây cảnh của gia đình anh Tuyên không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Hưng Yên mà còn phân phối cho nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Giờ đây mỗi năm, anh Tuyên xuất bán ra thị trường hơn 6 triệu cây các loại, doanh thu đạt 60 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với mức lương từ 7-22,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm anh Tuyên cũng thu lãi từ 5-7 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tuyên còn luôn là “chuyên gia” sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, phân phối cây giống cho hội viên nông dân trên khắp cả nước và những người có chung niềm đam mê trồng hoa, cây cảnh.

Cùng với đó anh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do các cấp, ngành, địa phương phát động, đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường giao thông, ủng hộ các loại quỹ, tham gia hoạt động từ thiện với số tiền hơn 200 triệu đồng mỗi năm… Với những thành tích đóng góp đó năm 2022 hội viên nông dân Nguyễn Văn Tuyên đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.