Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân ở Tiền Giang thích thú với nghề trồng dừa xiêm

Kim Lan - 10:49 11/07/2023 GMT+7
(Tapchinonghtonmoi.vn) Nhiều nhà vườn trồng dừa Mã Lai ở tỉnh Tiền Giang cho biết trồng dừa cho nguồn thu nhập cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa hoặc trồng rau, lại ít tốn công chăm sóc, do đó, nhiều nông dân ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) kết hợp trồng dừa trồng xen các loại cây màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.
Nông dân Tiền Giang trồng cây dừa Mã Lai cho hiệu quả thu nhập cao 

Hội viên nông dân Lâm Bá Hiểu (sinh năm 1960) ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây với mô hình trồng dừa Xiêm chuỗi theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao. Nhất là đang trong giai đoạn mùa Hè nắng nóng trái dừa rất hút hàng, ông Hiểu bán được giá cao hơn, từ 7.000 - 8.000 đồng/trái, 1 năm ông kiếm từ vườn dừa cũng hơn trăm triệu đồng.

Theo ông Hiểu, trong một lần tham gia hoạt động của Hội Nông dân ông được biết thông tin về định hướng trồng dừa theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên cho lợi ích dài lâu, sản phẩm cũng sẽ được thị trường ưa chuộng hút hàng hơn. Cùng với đó, ông còn được Câu lạc bộ nông dân của xã Thạnh Nhựt  tập huấn hướng dẫn kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dừa; kiến thức về phát hiện, xử lý sâu đầu đen hại dừa. Ông thường xuyên thăm vườn, kịp thời phun trị bọ cánh cứng phá hoại đọt non cây dừa, đồng thời ông Hiểu đã áp dụng cắt giảm bớt dần các loại phân bón hóa học. Nhờ biết vận dụng kiến thức từ các lớp tập huấn nên vườn dừa Xiêm chuỗi của ông Hiểu được xem là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả của xã Thạnh Nhựt.

Ông Hiểu chia sẻ, hiện tại đang vào mùa mưa, nên ông chú trọng bồi thêm đất nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho vườn dừa, không bị tù đọng nước, tránh cho cây bị rụng trái. Với 3.500m2 vườn dừa được 6 năm tuổi, trung bình mỗi tháng ông cắt bán 02 lần với sản lượng từ 2.200 - 2.500 trái. Vào mùa mưa, giá dừa tuy có giảm nhưng ông vẫn bán được với giá 5.500 đồng/trái; còn vào những tháng nắng nóng hút hàng, ông bán được giá cao hơn, từ 7.000 - 8.000 đồng/trái.

Để mở rộng phát triển kinh tế từ trái dừa, hướng tới đây ông Hiểu sẽ đăng ký hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, tuân thủ các quy tắc sản xuất theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường để nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình vườn dừa Xiêm chuỗi của ông Hiểu còn là điểm tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm của các hội viên nông dân trong toàn huyện. Hộ ông Thái Văn Hiếu (Sáu Hiếu) ngụ ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt cho thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/tháng với vườn dừa Mã Lai 5.000m2. 

Những cây dừa lùn cho trái nằm sát đất, trông rất đẹp mắt, giống dừa lại mau cho trái nên hiệu quả thu nhập nhanh, ông Hiếu đã nhân rộng ra 2 công đất. Theo ông Hiếu trồng dừa thành công là phải biết chăm sóc đúng cách, đảm bảo mật độ trồng (5m x 5m) thì mới mang lại hiệu quả cao. Cây dừa Mã Lai phải bón phân hàng tháng, sau khi thu hoạch quả dừa, tiến hành bón phân trung bình từ 1,2 - 1,5kg NPK/cây.

Khi bón phân cần đảm bảo đúng cách, đúng kỹ thuật, có 2 cách bón: Cách thứ nhất là xới đất xung quanh gốc dừa, bón phân xong lấy bùn dưới mương ốp lên một lớp mỏng (3 - 5cm) vừa tránh bị trôi phân vừa tạo độ ẩm giúp phân hòa tan nhanh và đều; cách thứ hai là đào khoảng 4 - 5 lỗ nhỏ ở xung quanh gốc dừa rồi cho phân vào lỗ tưới nước, từ đây chất dinh dưỡng sẽ thấm qua nền đất vòng quanh gốc mà không bị lãng phí hạt phân nào ra ngoài môi trường. Để dừa đạt năng suất, bên cạnh bón phân hóa học, nhà vườn phải chú trọng bón thêm phân hữu cơ, ủ gốc để tạo độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Lê Văn Chính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây cho biết, mô hình trồng dừa dùng làm nước giải khát đang được nông dân huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) lựa chọn bởi hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc. Trong đó loại dừa Mã Lai được nhiều người lựa chọn, bởi loại dừa này ít bị bọ cánh cứng, đuông gây hại, vỏ mỏng, gáo to, nước ngọt thơm, thân nhỏ nên có thể trồng diện tích hẹp.

Sau 3 năm trồng, dừa Mã Lai bắt đầu cho trái, mỗi 1 công cho thu hoạch từ 400 - 500 trái mỗi tháng, giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái), mỗi tháng bà con thu nhập hơn 3 triệu đồng.

Nhiều nhà vườn trồng dừa Mã Lai cho biết thêm, nếu dừa ở mức giá 50.000 đồng/chục (12 trái) thì người trồng dừa vẫn có nguồn thu nhập cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa, hoặc màu, lại ít tốn công chăm sóc. Hơn nữa khi trồng dừa, nông dân có thể trồng xen các loại cây màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.

Hiện nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang như: Huyện Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho… đang tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất khó khăn sang trồng dừa tươi uống nước thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có trên 20.000 ha dừa, tăng hơn 3.000 ha so với thời điểm cách đây 5 năm, sản lượng mỗi năm trên 180.000 tấn trái. 

Ưu điểm của loại cây trồng này là thích hợp thổ nhưỡng địa phương, chịu hạn, chịu phèn mặn, chịu đựng khí hậu khắc nghiệt và có giá trị kinh tế cao. Dừa lại dễ trồng, chi phí thấp nên được nhiều nông dân chọn đưa vào cơ cấu cây trồng, tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững.