Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Quang Bình học tập theo lời Bác

Bài, ảnh: Hoàng Tính - 08:01 03/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua các cấp Hội Nông dân huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đã tăng cường triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trọng tâm chú trọng vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề, tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Hữu Ước – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) cho biết: "Xác định học và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh phải bằng hành động và việc làm cụ thể, những năm qua Hội Nông dân huyện Quang Bình đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp đến các cơ sở Hội và hội viên"".

Học tập và làm theo lời Bác nhiều nông dân huyện Quang Bình đã có thu nhập khá

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp Hội quán triệt, phổ biến và phối hợp với cơ quan tuyên giáo, tuyên huấn, chính quyền địa phương trong huyện Quang Bình để tuyên truyền phổ biến giáo dục đến với hội viên nông dân. Trọng tâm chú trọng vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề, tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Xác định học và làm theo Bác bằng chính công việc hàng ngày, Hội Nông dân huyện Quang Bình đã xây dựng chương trình hành động sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn với các phong trào lớn của Hội, như: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững... Từ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn toàn huyện.

Trước đây bà con trồng chè xã Minh Xuân, huyện Quang Bình khá vất vả bởi búp chè tươi sau khi hái về không có cơ sở chế biến, vì vậy mà giá trị cây chè thấp. Học tập và làm theo lời Bác luôn gương mẫu đi đầu, anh Phùng Sùn Chòi ở thôn Minh Sơn (xã Xuân Minh, huyện Quang Bình) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc chế biến chè; ngoài việc chế biến chè cho gia đình, anh Chòi còn thu mùa chè cho bà con trong xã, chính vì vậy cây giá trị cây chè đã được nâng cao.

Đạt sản phẩm OCOP, chè Quang Bình đã có mặt ở nhiều triển lãm quảng bá nông sản các tỉnh miền núi phía Bắc và thành phố Hà Nội.

Anh Chòi cho hay: "Học Bác, tôi mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm chính vì vậy tôi đã đi đầu trong việc đầu tư máy móc trang thiết bị để sản xuất, chế biến chè, quyết định đó đã góp phần nâng cao giá trị cho cây chè ở Minh Xuân. Thực tế đã chứng minh chè búp tươi ở Minh Xuân năm 2017 chỉ có giá 8.000 đồng đến 15.000 đồng/1 kg thì đến năm 2022 giá nguyên liệu chè búp tươi đã có giá từ 20.000 đồng đến 55.000 đồng/1 kg". Tại cơ sở chế biến chè anh Chòi còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên có mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng; theo mùa vụ có từ 15-20 lao động với  mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Học Bác ở đức tính cần cù trong lao động, anh Nguyễn Đức Nghĩa ở thôn Sơn Nam (xã Hương Sơn, huyện Quang Bình) cùng là một trong những hộ điển hình về trồng và phát triển cây cam sành. Với diện tích 14 ha, trong đó có 8 ha cho thu hoạch, 6 ha đang trong thời gian kiến thiết. Gia đình anh Nghĩa đã thực hiện sản xuất theo đúng quy trình VietGAP đảm bảo chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.

Học tập tính cần cù trong lao động của Bác, anh Nguyễn Đức Nghĩa ở thôn Sơn Nam (xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đã có kinh tế khá giả.

Anh Nghĩa cho hay: "Tôi học Bác ở đức tính cần cù trong lao động, do vậy gia đình luôn tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và vươn lên làm giàu chính đáng. Niên vụ Cam năm 2020 – 2021, với diện tích 8 ha cam cho thu hoạch, sản lượng đạt 150 tấn, với giá thị trường bình quân đạt 10 nghìn đồng/kg, gia đình cũng có thu nhập trên 1,5 tỷ đồng".

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Quang Bình cũng tập trung hỗ trợ các hội viên về vốn, kinh nghiệm sản xuất, triển khai tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ. Trong đó, việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật được triển khai theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, cán bộ kỹ thuật của Hội trực tiếp xuống tận các Chi hội để trao đổi những nội dung mà hội viên đang cần được bổ sung kiến thức như: Hướng dẫn về cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu; hướng dẫn về chính sách, quy trình cho vay vốn của Ngân hàng đối với hội viên nông dân; về các biểu hiện, cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi…

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp huyện Quang Bình đã tổ chức, phối hợp tổ chức được 130 lớp tập huấn cho trên 4.500 lượt hội viên. Năm 2021 toàn huyện Quang Bình có 4.080 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp chiếm 60% tổng số hội viên nông dân; qua bình xét đã có 1.267 hộ đạt danh hiệu kinh doanh giỏi các cấp.

Bà Hoàng Thị Viện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quang Bình cho biết thêm: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phong trào đã thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, từ phong trào đã giúp nông dân trong huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, đa dạng ở các lĩnh vực như: Hội viên Hoàng Chiến Binh ở Tổ 1 (Thị trấn Yên Bình chăn nuôi lợn hiệu quả); Hội viên Nguyễn Đức Nghĩa ở Thôn Nam Sơn (xã Hương Sơn thu nhập cao từ trồng cam);  Hội viên Phùng Sùn Chòi ở thôn Minh Sơn (xã Nam Sơn với phát triển chế biến chè)…