Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Võng Xuyên làm giàu từ mô hình trồng hành lá

Thu Quỳnh - 07:09 17/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nhờ vào trồng hành lá mà nông dân xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) có thu nhập hơn 60 triệu đồng/người/năm. Hiện trên địa bàn xã có hàng trăm hộ gia đình chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hành lá, địa phương cũng có nhiều chính sách ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP), tiến tới xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường.

Nhà nhà khá giả nhờ vào trồng hành lá

Với lợi thế là xã ven sông, đất phù sa được bồi hằng năm, Võng Xuyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây rau màu hằng năm, cây hành đã trở thành cây chủ lực của xã. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tại xã Võng Xuyên nhiều nông dân trồng lúa đã lên liếp chuyển sang trồng hành mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trên địa bàn xã đã có hàng trăm hộ dân "sống khỏe" nhờ loại cây gia vị này. Hiện tại, toàn xã đã trồng được trên 115ha hành lá rải rác ở 11 thôn. Võng Xuyên cũng là địa phương có diện tích trồng hành lá lớn của thành phố Hà Nội. Nguồn thu từ cây hành lá những năm qua đã góp phần nâng cao thu nhập cho một bộ phận lớn người nông dân địa phương, giúp con số này hiện đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm.

Nông dân xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội phấn khởi với mô hình trồng hành cho hiệu quả kinh tế cao

Bà Lê Thị Tuyến (thôn Võng Nội) cho hay, giá hành lá đang ở mức ổn định 13.000 - 20.000đồng/kg, vào những thời điểm khan hiếm hành, giá hành có thể lên đến 30.000- 40.000đồng/kg. Một vụ trồng hành kéo dài 2 tháng, với mức giá ổn định như hiện nay, gia đình bà có thể thu lãi 15 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa.

“Hành là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian quay vòng gối vụ nhanh nên hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm người dân có thể trồng từ 7 - 8 lứa hành lá, mỗi lứa có thời gian từ 40-45 ngày, thời tiết lạnh có thể thu hoạch sớm hơn khoảng 30 ngày. Nếu được chăm sóc tốt thì mỗi sào canh tác có thể cho thu hoạch 5-6 tạ/lứa. Theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, để hành sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cần chủ động nguồn nước tưới tiêu, cung cấp độ ẩm kịp thời cho cây sinh trưởng và phát triển”, bà Tuyến thông tin.

Tại thôn Võng Nội, sau khi nhận thấy giá trị kinh tế từ cây hành, người dân trong thôn đã chuyển đổi 100% đất nông nghiệp sang trồng hành lá. Trong điều kiện thuận lợi, bà con có thể thu về 60 - 70 triệu đồng/sào canh tác hành lá mỗi năm. Cây hành lá đã và đang giúp nhiều hộ nông dân từ cuộc sống khó khăn do ít đất sản xuất đã vươn lên khấm khá và làm giàu.

Đi từ đầu làng đến cuối làng chỗ nào cũng thấy hình ảnh những tốp người cả già, cả trẻ mải miết nhặt hành, bó thành từng bó gọn gàng. Ai nấy đều hào hứng soạn hàng để nhập cho thương lái. Những tốp xe lớn nhỏ ra vào thôn chở hành mang đi khắp các tỉnh.

Dành chính sách ưu tiên cho các hộ trồng hành

Đánh giá về hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hành tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên cho biết: Hiện nay, hành lá hiện được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Giá hành hàng năm tuy có biến động, nhưng tổng kết lại các vụ trong năm bà con đều thu lãi cao gấp nhiều lần trồng lúa. Để cây rau màu của nông dân dễ dàng tiêu thụ và không bị ép giá, xã cũng đã đầu tư xây dựng tất cả các tuyến đường trong khu vực trồng rau màu để việc mua bán được thuận lợi hơn.

Nhiều hộ trồng hành trên địa bàn xã Võng Xuyên đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động và đầu tư đường điện vào tận chân ruộng

Để hành lá có thể đem lại thu nhập cao nhất cho bà con, ngoài cơ chế hỗ trợ, xã Võng Xuyên còn thường xuyên tập huấn khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất hành đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP. Nhờ vậy, sản phẩm hành lá Võng Xuyên luôn được thị trường ưa chuộng. Xã cũng đang hoàn thiện hồ sơ cấp mã vùng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã là cây hành và cây bưởi. Năm 2022, nhờ nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, bao bì và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hành lá tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đạt được chứng nhận OCOP 3 sao.

Nhằm giúp hội viên nông dân yên tâm sản xuất, Hội Nông dân xã cũng đã thành lập 01 tổ hợp tác trồng cây hành lá với diện tích 30 ha thu hút 117 thành viên tham gia; 01 tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng bưởi với diện tích 5 ha có 18 hội viên tham gia. Đây là điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp. Ngoài ra, tổ hợp tác còn tạo điều kiện kết nối, phát triển các chuỗi liên kết bao tiêu đầu vào và đầu ra sản phẩm, đảm bảo yếu tố bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Võng Xuyên, ông Nguyễn Văn Tính cho biết, các thành viên tham gia tổ hợp tác, tổ hội nông dân nghề nghiệp thường xuyên được Hội tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất hành đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm hành hoa Võng Xuyên luôn được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, ngoài cung cấp cho các chợ đầu mối lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, sản phẩm hành còn được các công ty sản xuất mỳ ăn liền thu mua với số lượng lớn. Tiến tới, Hội Nông dân xã sẽ hướng dẫn các thành viên của tổ hợp tác, tổ hội nông dân  nghề nghiệp vào hoạt động xây dựng thương hiệu, hoạt động Marketing bán hàng, kết nối các chuỗi sản xuất nông sản an toàn, sinh thái, giá trị cao.

Hiện, nhiều hộ trồng hành trên địa bàn xã cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động và đầu tư đường điện vào tận chân ruộng. Mô hình trồng hành lá là một trong hai mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn xã.