Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phải tự cứu mình trước

22:21 23/01/2020 GMT+7
Vào một ngày đông giá rét, nhận được cuộc gọi từ ông Lê Công Toán- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, báo tin cho chúng tôi đã hẹn được nhân vật “nông dân tiêu biểu” của tỉnh. Đó là bà Hoàng Thị Hòa (sinh năm 1960) thành công với trang trại tổng hợp,

Vào một ngày đông giá rét, nhận được cuộc gọi từ ông Lê Công Toán- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, báo tin cho chúng tôi đã hẹn được nhân vật “nông dân tiêu biểu” của tỉnh. Đó là bà Hoàng Thị Hòa (sinh năm 1960) thành công với trang trại tổng hợp, mang lại doanh thu gần 8 tỷ đồng mỗi năm.

Vườn cây sai trĩu quả của bà Hoàng Thị Hòa.

Cựu binh với “cuộc chiến” thương trường

Xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới, Quảng Bình), nằm ở cái eo của dải đất miền Trung, nơi gánh hai đầu đất nước.

Bà Hoà đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, tay bắt mặt mừng, bên ly chè xanh, bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện làm giàu từ buổi sơ khai.

Bà Hòa kể rằng: “Năm 1981, sau khi xuất ngũ từ chiến trường Lạng Sơn, tôi trở về quê hương làm ăn, sản xuất. Và bắt đầu với “cuộc chiến” thị trường. Từ đó đến nay, tôi luôn luôn học hỏi, cố gắng từng ngày để xây dựng một trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả cao”.

Ban đầu khời nghiệp, bà đã từng “vay lãi nóng” để đầu tư trang trại. Bà bảo, cũng đã có những lúc tuyệt vọng vì “không còn ai có đủ khả năng để cho mình vay nợ nữa, nhà cửa đất đai cũng vay thế chấp hết cả rồi. Lúc đó, Hội Nông dân xã Thuận Đức đang có chương trình vay vốn để làm ăn, tôi mạnh dạn vay 50 triệu để đầu tư thêm. Số vốn đó vẫn chưa đủ, tôi buộc phải vay lãi nóng, bởi mọi thứ đã khơi ra đó, nếu không vay đầu tư vào thì cũng coi như mất trắng”.

Với tổng diện tích hơn 5ha, trang trại bạt ngàn là cây ăn quả (ổi, mít, bưởi) và khu chăn nuôi lợn, gà, cá được tách riêng biệt. Trang trại với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Khi mà cả nước đang khốn đốn vì dịch tả lợn châu Phi, thì đàn lợn hơn 1.000 con của bà đang trong độ trưởng thành, chuẩn bị xuất chuồng trong dịp Tết 2020, với ước tính lợi nhuận “siêu lãi”.“Để đảm bảo chống dịch hoàn toàn cho đàn lợn và bảo toàn được đến nay, chúng tôi đã vô cùng quyết liệt trong khâu phòng bệnh, gần như là nội bất xuất, ngoại bất nhập từ đầu năm nay” – bà Hòa nói.

Trang trại được đầu tư hệ thống tưới hiện đại, chi phí 100 triệu trên 1ha.

Để thành công phải có sự đam mê và kiến thức

Trang trại được chăm sóc hoàn toàn bằng tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, nên được nhiều nhà hàng, thương lái tin tưởng. Vườn ổi, mít được chăm bón kỹ lưỡng, trái cây được bọc kín trắng cả vườn, ngay từ khi quả còn nhỏ. Bà chia sẻ: “Bây giờ thương trường như chiến trường vậy, có khi vấn đề an toàn thực phẩm còn khốc liệt hơn. Vì thế, mình phải tự cứu lấy mình trước”.

Qua nhưng buổi tập huấn của Hội Nông dân về chăn nuôi, trồng trọt, bà lại học thêm được nhiều kinh nghiệm hay và cách làm hiệu quả. Mỗi năm doanh thu từ trang trại tổng hợp của bà Hòa mang lại gần 8 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí từ 900 triệu – 1 tỷ đồng/năm. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 người và làm thời vụ cho 10-15 người với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Đàn lợn trong trang trại của gia đình bà Hòa.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, chủ trang trại này cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đam mê và có kiến thức. Ngoài ra, người làm chủ phải dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Bước sang năm mới Canh Tý, tròn 60 mùa Xuân trôi qua, bà Hòa vẫn luôn tràn đầy niềm hi vọng và hoài bão mới vẫn đang ấp ủ.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với ý chí, quyết tâm, nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu. Giờ đây bà Hòa không chỉ “tự cứu mình” và còn giúp cho nhiều người thoát nghèo, làm giàu.

Bảo Trung – Huyền Trang