Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mắc ca - cây trồng triển vọng ở Điện Biên

Hoàng Tính - 07:05 30/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau khoảng 5-6 năm trồng cây bắt đầu cho thu quả, giá bán quả Mắc ca tươi từ 80.000-100.000 đồng/kg; quả khô từ 250.000 – 280.000 đồng/kg. Mắc ca đang là cây trồng đầy tiềm năng cho người dân tỉnh Điện Biên.

Cây “Ngoại” sức sống khoẻ

Mắc ca là cây thân gỗ có nguồn gốc từ châu Đại Dương. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân ở tỉnh Điện Biên đã đưa cây mắc ca về trồng, bước đầu đã cho hiệu quả về kinh tế, cây cũng thể hiện nhiều ưu điểm, phát triển tốt ngay cả trên những vùng đất khó, bạc màu.

Hiện nay người dân xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã bắt đầu có thu nhập từ mắc ca.

Ông Lù Văn Hiêng ở bản Chăn (xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo) phấn khởi cho biết: Năm 2013 tận dụng diện tích đất đồi hoang hoá, bạc màu ông đã quyết định trồng thử 1ha cây mắc ca. Đến năm 2018 cây mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho quả bói, từ đó mỗi năm gia đình đã thu hoạch được 4 tạ quả tươi và bán được trên 30 triệu đồng.

Năm 2017 để phát triển kinh tế từ cây mắc ca, các hộ dân bản Phung (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) đã tự nguyện góp đất, chuyển đổi hơn 100ha đất dốc bạc màu, đã bỏ hoang, sang trồng cây mắc ca.

Anh Lò Duy Thiểm - Trưởng bản Phung chia sẻ: Sau 5 năm trồng, đến nay cây sinh trưởng và phát triển ổn định. Bước sang năm thứ 5, trên 70% diện tích trồng mắc ca đã trổ hoa và bói quả lứa đầu tiên; dự kiến trong tháng 8 - 9 sẽ cho thu hoạch. Hy vọng rằng, loại cây mắc ca mới này sẽ giúp nông dân chúng tôi có được nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài những giá trị về kinh tế đem lại bước đầu, mắc ca còn là cây trồng thu hút sự chú ý của nông dân ở huyện Tuần Giáo bởi chịu hạn tốt, sức sống cao. Địa hình đồi núi cao, lại chịu ảnh hưởng của gió Lào nóng gay gắt, đất trồng luôn bị thiếu nước… vì vậy khí hậu ở Tuần Giáo khá khắc nhiệt nhưng cây mắc ca vẫn sinh trưởng tốt. Kết quả này đã mở ra triển vọng phát triển thêm một loại cây có giá trị kinh tế cao trong cơ cấu cây trồng phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Điện Biên.

Hiện nay, tổng diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt 1.400ha. Trong đó, xã Quài Nưa 600ha; xã Quài Cang 800ha. Đánh giá bước đầu cho thấy mắc ca ở đây có tỉ lệ cây sống đạt trên 98%.

Liên kết tạo chuỗi sản xuất bền vững

Hiện nay diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên ước đạt 3.387ha, trong đó: Trồng chuyên canh 2.884 ha, trồng xen với cây trồng khác 543 ha; các diện tích đã trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.

Tỉnh Điện Biên đang có nhiều chính sách để thu hút, phát triển cây mắc ca tại địa phương.

Phần lớn diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên là do các doanh nghiệp đầu tư trồng (2.616 ha), diện tích còn lại (khoảng 771 ha) do các địa phương trồng xen che bóng cây cà phê, trồng thử nghiệm, người dân trồng tự phát...

Bên cạnh chủ trương quy hoạch, tỉnh Điện Biên đã quan tâm đến những chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật.

Với những giá trị mà cây mắc ca đã đem lại, đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 9 dự án trồng mắc ca của 8 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô trồng 53.000 ha, với tổng mức đầu tư trên 9.200 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh Điện Biên đã có cơ chế chính sách liên kết phát triển với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và hiện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây Mắc ca tại Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Việc phát triển cây mắc ca trên diện rộng cũng được tỉnh Điện Biên tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đã có nhiều hội nghị tập trung bàn thảo các giải pháp; ban hành các chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cây mắc ca.

Sự vào cuộc cần thiết

Để phát triển cây mắc ca thành hàng hoá sản xuất hiệu quả, bền vững ngày 15/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó sẽ từng bước hình thành ngành hàng Mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế…

Với những chính sách phát triển cây mắc ca của Trung ương, của tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới mắc ca sẽ là cây trồng giúp kinh tế bà con tỉnh Điện Biên khởi sắc hơn.

Đề án phấn đấu sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Theo định hướng, quy mô diện tích trồng phấn đấu tổng diện tích mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000 ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu). Vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

Điện Biên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trồng mắc ca
Ngày 10/6, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình tổ chức triển khai thực hiện các dự án trồng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai.