Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp yên tâm với những đơn hàng mới

11:07 03/12/2021 GMT+7
Nhờ chủ động được nguồn nhân công và nguyên liệu đầu vào, duy trì sản xuất ổn định nên ngay trước cao điểm Tết năm nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực Đông Nam bộ đã tiếp cận được các đơn hàng giá trị cao. Trong đó, có nhiều đơn hàng nông sản cho thị trường nước ngoài.
HTX Cần Giờ Tương Lai TP.HCM có nhiều đơn hàng mới cũng cấp cho hệ thống siêu thị đợt Tết 2022.

Có đơn hàng mới nhờ chuỗi liên kết

Trong bối cảnh thị trường sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủy sản chưa có nhiều chuyển biến, khởi sắc, đa số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp loay hoay cân đối lại sản lượng và tìm đầu ra cho nông sản. Nhưng có một số doanh nghiệp, HTX đã chủ động được nguyên liệu đầu vào, lực lượng lao động, mạnh dạn liên kết với các đơn vị khác và tiếp cận thương mại điện tử, tìm được nhiều đơn hàng mới.

HTX Cần Giờ Tương lai, TP.HCM đang duy trì hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 100 hộ dân sản xuất nông sản tại 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Do đó, suốt thời gian dịch bệnh, HTX này vẫn cung cấp ổn định các sản phẩm như: khô cá dứa, cá rô phi, cá đù… cho thị trường. Việc HTX ổn định nguồn cung sản phẩm và đảm bảo chất lượng đã tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng, kể cả các hệ thống siêu thị khó tính.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc HTX Cần Giờ Tương lai cho biết, cũng do dịch bệnh đòi hỏi phải làm thương mại điện tử nên HTX đã đưa sản phẩm lên mạng xã hội, xây dựng website để quảng bá, kết nối với khách hàng... Đến thời điểm này, không chỉ có các hợp đồng hàng Tết từ hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM, HTX còn nhận được nhiều đơn hàng mới từ thị trường các tỉnh thành trong nước.

“Các sản phẩm đã được nhập vào hệ thống siêu thị có tăng hơn so với bình thường. Nhờ đó duy trì được sản xuất ổn định, đảm bảo được việc làm ổn định cho người lao động. Các khoản thu nhập, bảo hiểm xã hội cho người lao động từ đó cũng đảm bảo kịp thời”, ông Thanh cho biết.

Để tiếp cận được đối tác Hà Lan - nhà vườn trồng bưởi tại Tân Thạnh, Long An chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ chuẩn Châu âu.

Cũng như vậy, HTX Bằng Lăng tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chủ động liên kết với nông dân và các đối tác. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát vào năm 2020, HTX và nông dân cùng chuyển đổi toàn bộ hơn 60 ha chanh và bưởi sang trồng theo chuẩn VietGap, hữu cơ. Suốt 2 năm qua, HTX chấp nhận lợi nhuận thấp để ổn định giá thành cho đối tác; chấp nhận giá vật tư tăng cao, phí vận chuyển, dịch vụ logistic khó khăn... để tiếp cận thị trường mới.

Theo ông Lê Văn Tại, Chủ tịch Hội đồng thành viên HTX Bằng Lăng, Tân Thạnh, Long A, cũng nhờ tính liên kết chặt chẽ giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác mà hiện nay HTX vừa chuẩn bị đợt hàng phục vụ tết vừa đáp ứng cho hợp đồng cung cấp chanh, bưởi chuẩn hữu cơ sang thị trường Hà Lan.

“Sau đợt dịch Covid-19 này, mình mới nhận ra giá trị của chuỗi liên kết. Trước đây, phụ thuộc thương lái kiếm mua, khi mà dịch tới thì họ nghỉ ngang, nông sản ứ đọng lại. Giờ chặt chẽ chuỗi liên kết của mình, hợp đồng trong chuỗi liên kết nước ngoài doanh nghiệp có sẵn, giờ HTX chỉ có nhiệm vụ sản xuất theo đúng chuẩn theo nhu cầu của đối tác nước ngoài”, ông Lê Văn Tại cho hay.

Linh hoạt ứng biến theo thị trường

Sau đợt dịch kéo dài, tình hình thị trường nông sản trong nước đang bình ổn trở lại, song dự báo nhu cầu tiêu thụ không mấy khả quan vì dịch vẫn còn phức tạp. Do đó, các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp một mặt thực hiện kế hoạch hàng tết cho thị trường nội địa, mặt khác ráo riết tìm và nhận các đơn hàng xuất khẩu để có thể ổn định sản xuất lâu dài. Trước thực trạng giá thành vật tư đầu vào sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng cao, việc trao đổi trực tuyến với đối tác hạn chế nên các doanh nghiệp, HTX phải ứng biến linh hoạt để có được đơn hàng.

Nông dân làm tại trang trại của HTX Phước Thiện, tỉnh Bình Phước phấn khởi khi có công việc ổn định.

Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc HTX thương mại, dịch vụ Phước Thiện, tỉnh Bình Phước cho biết, dù đã bước vào cao điểm cuối năm, nhưng đơn vị cũng phải chủ động thu hẹp diện tích sản xuất từ 300ha xuống còn hơn 250ha. Ngoài các mặt hàng trái cây tươi như: mít ruột đỏ, vú sữa, xoài, bưởi đã có thị trường trong nước thì HTX đã tìm được hợp đồng hàng tươi và hàng đóng gói cho thị trường Tết của Singapore, Trung Quốc...

Theo ông Vị, có được đơn hàng cho cao điểm cuối năm ở thời điểm này hoàn toàn không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chủ động bình ổn giá, chấp nhận lợi nhuận ít, xử lý linh hoạt với từng đơn hàng thì vẫn được đối tác nước ngoài tin cậy, đặt hàng.

"Nhà nước cũng vận động doanh nghiệp sản xuất trong nước giữ bình ổn giá. Chỗ này chủ yếu do khâu tự chủ của doanh nghiệp. Họ cảm thấy sản phẩm đầu vào khiến đầu ra không lợi nhuận thì buộc họ phải tăng giá. Tất cả những mặt hàng cũng như các sản phẩm nhà nước cũng chỉ can thiệp chỉ được một số mặt hàng thiết yếu cơ bản, còn lại đều phải theo nhu cầu, cung cầu tự nhiên của thị trường”, ông Nguyễn Viết Vị nói.

Thích ứng để bình thường mới cũng là tiêu chí mà doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện. Dù vẫn còn khó khăn do dịch bệnh vẫn còn, song những tín hiệu tích cực từ những đơn hàng nông sản có được cho thấy doanh nghiệp, HTX đã và đang cố gắng, linh hoạt hết sức có thể để ổn định./.

Theo VOV

HTX – mô hình hay để nông dân dạy nông dân cùng làm giàu
Với mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp tổng hợp đã đem lại cho anh Nguyễn Xuân Oanh – Giám đốc Hợp tác xã Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (TT. Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần tạo