Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Triển vọng từ rừng hồi xứ Lạng

Bài, ảnh: Duy Thái - 07:16 20/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cứ dịp tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, người dân Lạng Sơn lại bước vào chính vụ thu hoạch hồi. Là cây đặc trưng của vùng đất này, nên cây hồi gắn với đời sống và là sinh kế để giúp người dân nâng cao thu nhập. Để cây hồi thực sự tạo sức bật, chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp từ quy hoạch vùng, kêu gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư chế biến sâu… tạo vị thế phát triển bền vững.
Những bông hoa hồi hình sao được thu mua và chế biến thành tinh dầu hồi.

Kinh tế ổn định nhờ cây hồi

Huyện Văn Quang là một trong những vùng trọng điểm về phát triển cây hồi của tỉnh Lạng Sơn. Nhờ gắn bó với loài cây đặc trưng này mà đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay. Địa phương cũng đang tìm cách ổn định đầu ra cho cây hồi.

Nếu có dịp về Văn Quan vào những ngày cuối tháng tháng 8, khi trời vào thu, những rừng hồi đã tới kỳ thu hoạch. Dọc theo những bản làng được bao bọc bởi những rừng hồi bạt ngàn với hương thơm quyến rũ. Dịp này, bà con địa phương bắt đầu chuẩn bị dụng cụ lên rừng hái lượm hoa hồi.

Ông Tô Văn Đồng (ở xã Yên Phúc, huyện Văn Quang) cùng các thành viên trong gia đình cặm cụi nhặt những bông hồi thương phẩm vừa được thu hoạch. Theo kinh nghiệm của người trồng lâu năm, cành hồi to nhưng giòn, dễ gãy chỉ nên thu hoạch vào những ngày nắng ráo. Cây hồi được thu hoạch đúng thời điểm thì tỉ lệ đậu quả năm sau mới cao.

“Tôi trồng hồi đã hơn hai chục năm. Cây hồi không cần chăm sóc nhiều, mỗi năm cho 2 vụ thu hoạch là hồi vụ chính và hồi tứ quý. Hồi tứ quý thì đến tháng Chạp là gia đình tôi bắt đầu trèo hái, còn hồi vụ này bắt đầu hái từ tháng 7. So với trồng ngô, trồng khoai ngày trước thì trồng hồi hiệu quả hơn nhiều. Từ khi trồng hồi, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn, ở đây bà con đều làm kinh tế chủ yếu từ cây hồi do giá trị từ cây hồi khá cao. Bây giờ thương lái đến nhà thu mua hồi tươi về phơi, không phải mang ra chợ như ngày trước”, ông Tô Văn Đồng chia sẻ.

Hồi sau khi được thu hoạch sẽ có thương lái đến thu mua hoặc cung cấp cho cơ sở sản xuất các thương phẩm từ hồi trên địa bàn. Ông Nông Văn Tú (ở thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan) đã gắn bó hơn 40 năm với nghề chưng cất tinh dầu hoa hồi. Sản phẩm tinh dầu hồi của ông hiện đã hoàn tất chứng nhận OCOP 4 sao và đang xây dựng thương hiệu, mẫu mã để bày bán tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng trong nội địa và xuất ra nước ngoài.

“Mỗi năm xưởng của tôi có thể chưng cất ra được từ 10-15 tấn tinh dầu hồi, từ đó, có thể xuất khẩu sang các nước Tây Âu. Chúng tôi thu mua hồi về rồi đổ vào lò chưng cất, cho nước vào rồi điều chỉnh mức nước, đóng điện, chưng cất khoảng trong vòng 48h thì được một mẻ khoảng 50-60kg tinh dầu. Là người địa phương, cũng là theo nghề truyền thống của cha ông để lại, bây giờ mình đã sản xuất ra sản phẩm tốt, mong chính quyền hỗ trợ được đầu ra để dây chuyền sản xuất được liên tục, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng, góp phần giới thiệu, quảng cáo sản phẩm của mình đến với mọi người”, ông Nông Văn Tú cho biết.

Người dân xã Yên Phúc, huyện Văn Quan phơi hoa hồi.

Quy hoạch vùng hồi bền vững

Giá trị sản phẩm hoa hồi qua chế biến cao hơn hẳn, tuy nhiên, những hộ gia đình sản xuất được như gia đình ông Nông Văn Tú chưa nhiều. Các sản phẩm hồi được người dân thu lượm, xuất bán hầu hết chỉ dừng ở mức sơ chế, bán quả khô nên giá trị kinh tế chưa cao. Cùng với đó, sản phầm hồi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

“Thổ nhưỡng của Lạng Sơn rất phù hợp với cây hồi. Ngoài việc xuất khẩu hồi, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đưa ứng dụng sản phẩm hồi vào cuộc sống hàng ngày cho mọi người sử dụng như: sản phẩm nước lau nhà, nước rửa bát, dầu gội đầu… Khách hàng họ cũng rất thích khi được sử dụng những sản phẩm tự nhiên do chính người địa phương chế biến, và chúng tôi cũng cảm thấy tự hào vì điều đó. Doanh nghiệp chúng tôi cũng rất mong muốn kết nối với các cơ quan, ban, ngành để đưa sản phẩm vào các trang uy tín thì sẽ dễ dàng hơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước”- bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu Nông- Lâm sản Lạng Sơn cho hay.

Huyện Văn Quan là nơi có diện tích hồi lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, với trên 14.000ha. Trong đó, khoảng 11.000ha đang cho quả. Diện tích hồi phân bố đều khắp trên địa bàn. Với sản lượng từ 27.000 - 30.000 tấn hồi tươi, thu nhập từ hồi năm 2020 trên địa bàn ước đạt khoảng 600 đến 700 tỷ đồng. Để tạo ra những đột phá cho nhiều loại cây đặc sản của xứ Lạng, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng “Quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó, có cây hồi. Vùng nguyên liệu hồi được tập trung vào những địa bàn trọng yếu gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với tổng diện tích hơn 20.000ha.

“Định hướng trong việc chế biến hồi, chúng tôi cũng đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư. Thời gian tới, trên địa bàn huyện sẽ xây dựng một nhà máy chế biến hoa hồi với công nghệ thiết bị hiện đại, tập trung chế biến sâu từ hồi, khi đưa vào sử dụng sẽ giúp bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi, qua đó, giúp người trồng được hưởng lợi, có đầu ra ổn định, bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là thị trường châu Âu. Bây giờ cơ bản về vùng nguyên liệu đã ổn, chúng tôi cũng mong muốn có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư để xây dựng, chế biến sâu về hồi, như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hồi trên địa bàn”, ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Văn Quan thông tin.

Từ tiềm năng và những giá trị của cây hồi mang lại, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều giải pháp hướng đến phát triển bền vững cây đặc sản này. Từ vấn đề quy hoạch vùng để tạo bền vững cho vùng nguyên liệu tới việc liên kết doanh nghiệp và người dân nhằm đa dạng các sản phẩm tinh chất… sẽ là chìa khóa để hoa hồi Lạng Sơn chinh phục những thị trường tiềm năng, đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao cho người dân.