Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vượt khó, cùng nhau làm giàu bằng vốn Quỹ

Minh Châu - 07:20 11/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) là một trong những nguồn tín dụng quan trọng, trợ giúp nông dân tỉnh Hà Nam phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn này, nông dân Hà Nam đã hình thành những tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Người dân xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam phát triển kinh tế vườn đem lại nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Oanh

Giúp nông dân liên kết sản xuất

Năm 2018, chị Phạm Thị Hạnh là một trong 10 hội viên nông dân của Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) được vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND. Từ nguồn vốn này, gia đình chị đã đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn, cải tạo ao nuôi thả cá. Đàn lợn của gia đình luôn duy trì hơn 100 con/lứa, diện tích mặt ao thả cá 1,6 mẫu. Mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Hạnh cho biết, nguồn Quỹ HTND đã hỗ trợ rất thiết thực, kịp thời cho gia đình chị mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Các hộ trong tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống và đầu ra cho sản phẩm, đồng thời được Hội Nông dân các cấp quan tâm, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi... nên chăn nuôi hiệu quả, kinh tế gia đình của chị cũng như các hội viên khác ngày càng phát triển.

Anh Nguyễn Như Lâm là một trong 10 thành viên của Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng) được vay 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND từ tháng 3/2020. Với số vốn này, anh Lâm đã đầu tư cải tiến máy móc để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện xưởng gỗ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Như Lâm chia sẻ: Khi Quỹ HTND triển khai cho vay vốn, Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng xã Nhật Tân đã được thành lập. 10 thành viên của Tổ được vay vốn 400 triệu đồng, bình quân mỗi hộ được vay 40 triệu đồng. 

Tham gia vào tổ, các thành viên đã hỗ trợ nhau rất nhiều, từ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thống nhất về nơi nhập nguyên liệu đầu vào đến giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bản thân anh cũng như các thành viên trong tổ đều có nguyện vọng được vay với số vốn nhiều hơn, thời gian lâu hơn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm. Điển hình như các mô hình tổ hợp tác: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc; phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao ở xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên; chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng…

Bằng hình thức cho vay vốn sản xuất thông qua các dự án, kết hợp với xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, Quỹ HTND các cấp của tỉnh Hà Nam đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên nông dân trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Mô hình nuôi cá công nghệ sông trong ao của HTX thủy sản Hải Đăng ở thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Ảnh: Thu An.

Giao chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ HTND

Theo Hội Nông dân tỉnh Hà Nam, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên  32,48 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 13,6 tỷ đồng; Quỹ cấp tỉnh 1,1 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện, thành phố 6,87 tỷ đồng; Quỹ cấp cơ sở vận động 10,91 tỷ đồng. Nguồn vốn này được cho vay thông qua 87 dự án với hơn 2.000 lượt hội viên vay để đầu tư các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng quỹ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị và lấy việc xây dựng Quỹ HTND. Đây là 1 trong những tiêu chí quan trọng đánh giá, xếp loại tổ chức Hội hàng năm.
Các cấp Hội còn gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác như khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án từ Quỹ HTND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Tất cả các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng kỳ hạn. Bên cạnh việc phát huy và sử dụng Quỹ HTND hiệu quả, các cấp Hội còn phối hợp với các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 năm (2010 - 2020), toàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 9.000 hội viên nông dân thoát nghèo.

Ông Tạ Văn Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam cho biết, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng quỹ cho các cấp Hội; thực hiện hỗ trợ vốn đúng mục đích, đúng đối tượng; xây dựng thành công các mô hình nông dân phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững; đưa việc xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững ở nông thôn trở thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các cấp Hội.

Hội Nông dân tỉnh Hà Nam cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ HTND các cấp có trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, góp phần đẩy mạnh hoạt động của Hội và phong trào nông dân. 

 Bằng hình thức cho vay vốn sản xuất thông qua các dự án, kết hợp với xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, Quỹ HTND các cấp của tỉnh Hà Nam đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên nông dân trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.